Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 9 chương 56 điều.
Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết
Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật, Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tại phiên họp cho biết, qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 (Luật số 19/2000/QH10 ngày 9/6/2000) và năm 2008 (Luật số 10/2008/QH12 ngày 3/6/2008), Bộ Công Thương nhận thấy, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào các vấn đề như: Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi.
Mặt khác, một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác. Một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các luật khác có liên quan.
Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.
Hồ sơ dự luật cơ bản bảo đảm theo yêu cầu
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về việc nội luật hóa các quy định tại các điều ước quốc tế song phương trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực dầu khí, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Điều ước quốc tế.
Các tài liệu trong hồ sơ cơ bản bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới tại dự thảo Luật so với quy định hiện hành của pháp luật.
Đồng thời, để bảo đảm nội dung lớn thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là "điều tra cơ bản về dầu khí" và "hoạt động dầu khí", Ủy ban Kinh tế đề nghị thiết kế lại Chương IV thành Chương quy định về "hoạt động dầu khí". Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung Chương về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí).
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc chia sẻ sử dụng công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có; nghiên cứu bổ sung quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xử lý sự cố dầu khí; cụ thể hóa tối đa tại dự thảo Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, bảo đảm hiệu lực thi hành ngay của Luật...
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung lớn của dự luật liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh; tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung; hợp đồng dầu khí; trình tự, thủ tục phê duyệt triển khai hoạt động dầu khí và dự án dầu khí; ưu đãi trong hoạt động dầu khí; quản lý Nhà nước về dầu khí;...
Một số ý kiến nhấn mạnh, cần bảo đảm mối quan hệ của Luật Dầu khí (sửa đổi) với các luật hiện hành có liên quan trên cơ sở nguyên tắc là quy định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, vừa bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Có ý kiến đề nghị, trên cơ sở quan điểm sửa đổi luật, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, thiết kế các điều khoản cho chặt chẽ hơn, đảm bảo sự minh bạch rõ ràng trong quy trình, thủ tục triển khai các hoạt động dầu khí, qua đó góp phần thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.
Thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển ngành dầu khí
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) của Chính phủ, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã tập trung bao quát các vấn đề của dự án Luật, cần khẩn trương tiếp tục nghiên cứu để đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về định hướng phát triển của ngành dầu khí; quy định rõ về hoạt động dầu khí, tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo hiệu lực, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí; xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài phát triển ngành dầu khí trong nước; tạo điều kiện khai thác các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các quy định của Luật phải thống nhất về nguyên tắc xuyên suốt là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các nhà đầu tư cũng như các quyền lợi chính đáng của họ, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; đề nghị Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 tới đây.
Nguyễn Hoàng