Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong cuộc làm việc với UBND TP. Cần Thơ về kết quả thực hiện nhiệm vụ văn hoá, giáo dục ở địa phương, chiều 7/4. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục Cần Thơ đã đạt được khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp trao đổi về một số kiến nghị của Cần Thơ, như lựa chọn sách giáo khoa, tuyển dụng giáo viên, kiểm tra, đánh giá… theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, trên tinh thần tiếp tục "khảo sát để điều chỉnh thấu đáo, phù hợp hơn nữa với các địa phương trong cả nước".
Các ý kiến tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả tạo bước chuyển về giáo dục đào tạo của vùng ĐBSCL, trong đó Cần Thơ có vị trí rất quan trọng với nhiều cơ sở giáo dục lớn, uy tín.
Theo các đại biểu, một trong những khó khăn lớn nhất mà Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL đang gặp phải là vấn đề giảm biên chế giáo viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Đại học Cần Thơ, Đại học Y-Dược Cần Thơ cũng nêu một số kiến nghị cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cả nghiên cứu lẫn đào tạo nghề.
Trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho rằng Cần Thơ đã triển khai công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hết sức tích cực, bài bản, đồng bộ, góp phần thúc đẩy sự phục hồi nhanh của du lịch địa phương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ĐBSCL, dựa trên lợi thế khác biệt của từng địa phương.
"Quan trọng là cần những dự án đầu tư văn hoá, du lịch, thể thao cho ra tấm, ra món", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trao đổi.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau 10 năm, giáo dục vùng ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ đã thoát khỏi tình trạng "vùng trũng", bước sang giai đoạn phát triển mới, vươn lên mạnh mẽ hơn bằng những đột phá về cơ chế quản trị, tự chủ trong nhà trường phổ thông.
Theo Phó Thủ tướng, nếu như trước đây nhà trường thường được hiểu chỉ là thiết chế của chính quyền, thì với sự tham gia của giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhân dân, nhà trường sẽ trở thành thiết chế của cộng đồng, có khả năng huy động ngày càng nhiều nguồn lực xã hội cho giáo dục một cách công khai, minh bạch.
Trên tinh thần đó, cấp ủy, chính quyền TP. Cần Thơ cần bàn bạc thấu đáo, mạnh dạn thí điểm cho phép những cơ sở giáo dục công lập khang trang, đội ngũ giáo viên giỏi được tự chủ, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận phụ huynh có khả năng chi trả học phí cao hơn, quản lý công khai, có quỹ hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc mô hình hợp tác công-tư mà Nhà nước đầu tư xây dựng trường lớp cho tư nhân thuê lại để quản trị hoạt động. Đây là giải pháp căn cơ giải quyết bài toán giảm biên chế nhưng không để thiếu giáo viên đứng lớp.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn Cần Thơ tiếp tục có những giải pháp tăng cường quản lý thống nhất các nguồn lực về giáo dục bằng tin học hoá.
Ghi nhận kiến nghị của Đại học Cần Thơ, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới nhà trường phải là nòng cốt để nâng cao chất lượng của mạng lưới giáo dục đại học, gắn kết với đào tạo nghề nghiệp trong vùng ĐBSCL.
Về lĩnh vực văn hoá, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ Cần Thơ, mà vùng ĐBSCL có rất nhiều tầng văn hóa cần được khai phá, định vị những nét đặc trưng của từng địa phương để phát huy các giá trị văn hoá trở thành động lực tích cực cho phát triển du lịch.
"Cần xây dựng môi trường văn hoá mẫu mực trong giáo dục phổ thông, vừa tiếp cận hiện đại, vừa gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp", Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
Đình Nam