Trong 7 ngày trở lại đây, thành phố Cần Thơ ghi nhận tổng cộng 3115 ca mắc COVID-19. |
Chiều 17/11, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế thành phố Cần Thơ, tính đến 17 giờ cùng ngày, thành phố Cần Thơ ghi nhận 712 ca nhiễm mới, có 194 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện và tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định.
Trong 7 ngày trở lại đây (từ ngày 11-17/22), thành phố Cần Thơ đã ghi nhận tổng cộng 3115 ca mắc COVID-19.
Nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay (từ ngày 1/11 - 17/11), thành phố Cần Thơ ghi nhận tổng cộng 6460 ca mắc COVID-19. Cụ thể, ngày 17/11 có 712 ca dương tính với virus SARS-CoV-2; ngày 16/11 ghi nhận 547 ca F0; ngày 15/11 – 390 ca; ngày 14/11 – 342 ca; ngày 13/11 – 372 ca; ngày 12/11 – 524 ca; ngày 11/11 – 228 ca; ngày 10/11 – 579 ca; ngày 9/11 – 295 ca; ngày 8/11 – 400 ca; ngày 7/11 – 370 ca; ngày 6/11 – 181 ca; ngày 5/11 – 353 ca; ngày 4/11 – 314 ca; ngày 3/11 – 123 ca; ngày 2/11 – 296 ca và ngày 1/11 ghi nhận 434 ca mắc COVID-19.
Tổng số trường hợp mắc COVID-19 ghi nhận trên địa bàn thành phố Cần Thơ tính từ ngày 8/7 đến nay là 14.152 người, 8.354 trường hợp điều trị khỏi.
Để phòng chống dịch bệnh, thành phố Cần Thơ tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh công tác xét nghiệm trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Với tinh thần “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, thành phố Cần Thơ kêu gọi cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố luôn bình tĩnh, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện tốt nguyên tắc 5K và tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19; tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, để từng bước thích ứng an toàn với trạng thái “bình thường mới”.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ với các quận, huyện chiều 16/11, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, liên tục ghi nhận ổ dịch mới tại các hẻm, khu vực đông dân tư, công ty…
Khó khăn hiện nay của Cần Thơ là số lượng F0 tăng đột biến, các bệnh viện tầng 1 phải bố trí thêm giường cao hơn công suất để tiếp nhận bệnh nhân. (theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Cần Thơ, tính đến 14.00’ ngày 17/11, thành phố có tổng số 3100 giường thuộc 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19, hiện đang điều trị cho 3025 F0. Trong đó, có 1850 giường điều trị tầng 1, đang điều trị 2008 bệnh nhân; 1050 giường điều trị tầng 2, đang điều trị 919 bệnh nhân; 200 giường điều trị tầng ba, đang điều trị 98 bệnh nhânh),…
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nêu rõ: Công cuộc phòng, chống COVID-19 chuyển từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngành y tế phải làm việc cật lực tham mưu cho chính quyền các cấp biện pháp phòng, chống dịch thích ứng với giai đoạn này.
Để điều trị F0 tại nhà, đội y tế lưu động phải có nhân sự cụ thể, được trang bị thuốc, thiết bị y tế và có quy chế phối hợp với trạm y tế, trung tâm y tế. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể việc giám sát, theo dõi việc tuân thủ quy định của các F1, F0 tại nhà.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo ngành y tế rà soát các loại thuốc điều trị COVID-19 và trang bị cho các bệnh viện điều trị F0 ở tầng 1, 2, 3 và F0 điều trị tại nhà. Tiểu ban y tế tập trung giải quyết vướng mắc F0 chuyển tầng điều trị. Thông báo công khai đường dây nóng của bệnh viện, khi có triệu chứng chuyển nặng, chuyển ngay. Đồng thời, chuẩn bị thêm giường, trang thiết bị cần thiết điều trị F0 nặng.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu trong vòng 10 ngày, các quận, huyện rà soát chính xác dữ liệu người dân tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Về việc tiêm vaccine cho trẻ em, đề nghị UBND thành phố làm văn bản xin ý kiến Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch với cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là việc thực hiện 5K ở các địa điểm tập trung đông người. Xử phạt nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các đơn vị y tế đẩy mạnh xét nghiệm PCR, không để xét nghiệm, trả kết quả chậm./.