Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Theo đánh giá của các bộ, ngành Trung ương, từ khi có Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Quyết định số 366 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương thì tình hình kinh tế-xã hội của TP. Cần Thơ có chuyển biến tích cực.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, tăng thu ngân sách của Thành phố mỗi năm tăng trên dưới 1.000 tỷ đồng, đặc biệt thu nội địa tốt.
Đối với giáo dục đào tạo, Thành phố có sự phát triển tốt, tỷ lệ phổ cập các cấp học phổ thông đều trên 90%, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết. Ngoài ra, tỷ lệ đào tạo nghề tới nay đã đạt 50,07%, vượt kế hoạch hơn 5%.
Tuy nhiên, Cần Thơ đã trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, sản xuất công nghiệp (phục vụ phát triển nông nghiệp), du lịch, khoa học công nghệ và là động lực của toàn vùng ĐBSCL hay chưa, các bộ, ngành đều cho rằng chưa đạt.
Lý do là nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Quyết định của Thủ tướng đặt ra, Cần Thơ thực hiện không đạt. Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2011-2014 phải đạt 19,69%, nhưng thực tế chỉ đạt 9,36%/năm. Tương tự, thu ngân sách tới năm 2014 là 14.371 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 12.129 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mới đạt 1,35 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 2,389 tỷ USD; thu hút khách du lịch cần đạt 1,875 triệu khách thì thực tế mới đạt 1,3 triệu khách...
“Trong những năm qua, giao thông kết nối Cần Thơ với các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối toàn vùng không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nên “đội” giá thành nông sản. Cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo cũng kìm hãm sự phát triển của Cần Thơ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Trong lĩnh vực y tế, Đại học Y Dược Cần Thơ không đạt yêu cầu phát triển do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, trong khi địa phương vẫn cần phải xây dựng Trung tâm An toàn thực phẩm với số vốn 100 tỷ đồng. Còn về giáo dục đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng Đại học Cần Thơ chưa đạt tầm quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn vùng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, việc huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông kết nối thương mại nội địa và du lịch vừa qua đã có kết quả, nhưng còn chậm chạp và là trở ngại lớn với sự phát triển của Thành phố. Cụ thể, tổng vốn đầu tư tích lũy tới nay mới có 815 triệu USD, nhưng cũng chỉ mới giải ngân được 150 triệu USD, sau cả Kiên Giang, Long An...
“Huy động vốn xã hội rất quan trọng. Cần Thơ phải chủ động đề xuất với Trung ương trong huy động. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng phải ủng hộ Cần Thơ phát triển dự án cấp vùng khi vốn ngân sách được cấp phát qua bộ, ngành”, ông Hiếu kiến nghị.
Cũng theo ông Hiếu, việc huy động vốn cho các dự án hạ tầng chưa có nguồn, nếu bây giờ chờ cơ chế vốn trái phiếu, vốn ngân sách thì rất khó. Đề nghị Chính phủ xem xét cho chủ trương bổ sung vốn đầu tư cho Thành phố bằng các cơ chế như tăng dư nợ, để lại khoản thu tăng ngân sách. Nếu chủ trương mở rộng trái phiếu thì bố trí cho Cần Thơ, xem xét hỗ trợ vốn đối ứng ODA để Cần Thơ có thêm nguồn vốn.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân cho rằng, cần nhìn nhận các chỉ tiêu mà Thành phố Cần Thơ chưa đạt được trong bối cảnh ban hành Nghị quyết và Quyết định khi kinh tế đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh, chưa lường hết những khó khăn của khủng hoảng kinh tế thế giới ở giai đoạn thực hiện sau này.
Ông Tân đặt ra một số vấn đề và nhấn mạnh cần phân tích sâu hơn để đánh giá đúng hiện trạng kinh tế, xã hội của Thành phố như: Kết nối hạ tầng giao thông ĐBSCL đã được đầu tư, nhưng tổ chức khai thác vẫn còn hạn chế đã ảnh hưởng tới vai trò trung tâm của Thành phố; tăng trưởng của Cần Thơ là 13%, nhưng là tăng do đầu tư hay do sản xuất? Đồng thời cần có một thể chế riêng cho Cần Thơ phát triển mạnh hơn nữa.
Các bộ, ngành tập trung giúp Cần Thơ xây dựng hiệu quả hạ tầng cơ sở
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cần Thơ với liên doanh các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đồng tình với đánh giá của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Cần Thơ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua đó Cần Thơ đã phát triển khá nhanh kinh tế-xã hội, chuyển dịch tương đối nhanh cơ cấu kinh tế.
“Thành phố từng bước là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của vùng và bước đầu kết nối giao thông của Thành phố với vùng và cả nước”, Phó Thủ tướng đánh giá, đồng thời cho rằng với Cần Thơ, thu hút đầu tư là rất quan trọng, trong đó nổi lên là nền tảng hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất và nguồn nhân lực.
Trong phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh vai trò của Nhà nước, Cần Thơ cần thu hút doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư, cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp này.
Còn về hạ tầng cơ sở, nhận định đây là vấn đề hệ trọng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan tập trung giúp Cần Thơ xây dựng hiệu quả.
“Cân đối tiền là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là tạo cơ chế cho Cần Thơ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước tạo ra động lực phát triển hạ tầng còn quan trọng hơn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, trong thu hút các nguồn vốn ODA hay FDI, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Cần Thơ cần ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế, văn hóa...
Phó Thủ tướng cũng đưa ra một loạt đề nghị với Thành phố như: Tiếp tục rà soát, bổ sung và quản lý quy hoạch cho thật tốt; chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, giá trị cao, vùng chế biến công nghệ thực phẩm, nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ quốc phòng an ninh; rà soát lại danh mục đầu tư theo Quyết định 366 để tập trung làm cho hiệu quả.
“Việc ban hành Nghị quyết của Trung ương và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương, giải pháp đúng đắn của Đảng, Chính phủ khi nhìn nhận vị thế của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL và cả nước. Thành phố phải tiếp tục quán triệt, tăng cường tuyên truyền những yêu cầu, nhiệm vụ của Thành phố để thực hiện hiệu quả”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Cũng trong chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cần Thơ với liên doanh các nhà đầu tư Hàn Quốc về thống nhất cùng hợp tác đầu tư 4 dự án đường giao thông và cung cấp nước sạch nông thôn trị giá 150 triệu USD.
4 dự án gồm đường 923, cầu bắc qua Cù lao Tân Lộc, hệ thống xử lý nước thải và cấp nước sạch 2 quận Ô Môn và Thốt Nốt. Đây là điều kiện quan trọng để Cần Thơ hoàn thiện phát triển hệ thống cấp nước và cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường cho những vùng nông thôn trên địa bàn.
Sau lễ ký kết, các đơn vị sẽ tiến hành khảo sát và lập thủ tục cần thiết để sớm đầu tư vào Cần Thơ trong thời gian tới.
Thành Chung