In bài viết

Cần Thơ ủy thác cho vay 15.600 tỷ đồng đối với người nghèo và chính sách khác

(Chinhphu.vn) – Chiều 18/7, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Cần Thơ và 4 tổ chức chính trị - xã hội ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

18/07/2025 17:45
Cần Thơ ủy thác cho vay 15.600 tỷ đồng đối với người nghèo và chính sách khác- Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP. Cần Thơ và các tổ chức chính trị - xã hội ký kết văn bản liên tịch thực hiện ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách - Ảnh: VGP/LS

Tham dự có lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Cần Thơ và lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP. Cần Thơ, đại diện lãnh đạo 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên TP. Cần Thơ.

Theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo, quyền Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Cần Thơ, tổng dư nợ ủy thác của thành phố Cần Thơ sau hợp nhất là hơn 15.600 tỷ đồng, thuộc 20 chương trình tín dụng chính sách với 7.396 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 103 xã, phường của thành phố Cần Thơ.

Cụ thể, Hội Nông dân quản lý hơn 5.022 tỷ đồng (chiếm 32,12%) với 2.360 tổ tiết kiệm và vay vốn; Hội Phụ nữ quản lý hơn 5.333 tỷ đồng (chiếm 43,11%), với 2.481 tổ tiết kiệm và vay vốn; Hội Cựu chiến binh quản lý 3.011 tỷ đồng (chiếm 19,26%) với 1.433 tổ tiết kiệm và vay vốn; Đoàn thanh niên quản lý 2.268 tỷ đồng (chiếm 14,651%) với 152 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Về chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết: Tổng nợ quá hạn khoảng 212 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ ủy thác.

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Cần Thơ tiếp tục tham mưu tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới và chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.

Rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng để điều chỉnh kế hoạch tín dụng năm 2025, xây dựng kế hoạch năm 2026 và giai đoạn 2026-2030, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho đối tượng thụ hưởng để sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đối với địa bàn có nợ quá hạn từ 0,5% trở lên, các địa bàn phát sinh nợ quá hạn cao, xử lý kịp thời các khoản nợ đến hạn, hoàn thiện hồ sơ xử lý rủi ro…

Lê Sơn