3 yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng số liệu thống kê
Chất lượng số liệu thống kê phụ thuộc vào nhận thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử của ba nhóm chủ thể có liên quan mật thiết với nhau: Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê; Nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê và Nhóm sử dụng thông tin thống kê.
Để có số liệu thống kê cung cấp cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và phổ biến cho các nhà nghiên cứu, người dùng tin, cơ quan thống kê – Nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê phải xây dựng và triển khai các hình thức thu thập thông tin phù hợp với từng loại đối tượng cung cấp thông tin.
Chẳng hạn, thông tin về thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình được thu thập qua hình thức điều tra chọn mẫu thống kê; thông tin về đầu tư và kết quả sản xuất của các doanh nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài thu được qua chế độ báo cáo thống kê,…
Ngành Thống kê áp dụng phương pháp thống nhất trong xử lý, tính toán để đảm bảo tính nhất quán của các chỉ tiêu thống kê theo thời gian, so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời Nhóm sản xuất và công bố thông tin còn có trách nhiệm phổ biến kiến thức thống kê liên quan tới các chỉ tiêu thống kê được công bố.
Nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt.
Do đó, nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu; nguồn thông tin của các bộ, ngành bị khép kín, không chia sẻ cho cơ quan thống kê, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình.
Trên thực tế, chất lượng “nguyên liệu” thông tin đầu vào là một trong những nhân tố chính quyết định chất lượng số liệu thống kê. Vì vậy Nhóm cung cấp thông tin đóng vai trò quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất và tác động lớn nhất đến chất lượng của thông tin thống kê.
Mặt khác, thống kê là ngành nghiệp vụ chuyên môn chuyên sâu, đòi hỏi người làm công tác thống kê phải trung thực, khách quan, độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và phải có bản lĩnh nghề nghiệp. Điều này đã được quy định trong Luật Thống kê và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tổng cục Thống kê nhận thức rất rõ, nhiều lần lãnh đạo ngành Thống kê công khai thừa nhận thực tế số liệu thống kê hiện nay vẫn còn không ít bất cập, cần quan tâm mổ xẻ để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Chẳng hạn, vấn đề được đề cập nhiều nhất trong thời gian vừa qua là độ chính xác của chỉ tiêu GDP, thể hiện qua chênh lệch trong tốc độ tăng trưởng GDP của các địa phương với cả nước, hay số liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Những người làm công tác thống kê không lảng tránh thực tế này, mà đang chủ động xây dựng và thực hiện Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương”, chủ động nghiên cứu, thu thập thêm thông tin để có bức tranh đầy đủ hơn, toàn diện hơn về lao động, việc làm và thất nghiệp ở Việt Nam.
Đồng thời, ngành cũng xây dựng chương trình trung và dài hạn về đào tạo, đào tạo lại và cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ công chức của hệ thống thống kê Việt Nam đáp, ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác thống trong những năm tới.
Trách nhiệm của người dùng tin
Bên cạnh vấn đề nâng cao chất lượng thống kê thì vấn đề nâng cao trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê cũng cần được bàn tới.
Năm 2007, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), các nhà quản lý, xây dựng chính sách phát triển, các nhà nghiên cứu và những người làm thống kê của trên 100 quốc gia trên thế giới đã họp Hội nghị với chủ đề: “Thống kê - Tri thức - Chính sách” để thảo luận các giải pháp nhằm biến thông tin thống kê thành tri thức của người dùng tin và được họ sử dụng trong trình xây dựng chính sách phát triển đất nước.
Cộng đồng quốc tế tổ chức Hội nghị này để một mặt đề cao tầm quan trọng của thông tin thống kê; mặt khác muốn gửi thông điệp chủ yếu, đó là trách nhiệm của người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp.
Tháng 9/2012, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng 2,2.% so với tháng 8/2012, cao hơn rất nhiều CPI của các tháng trước đó (tháng 5/2012 tăng 0,18%, tháng 6/2012 giảm 0,26%, tháng 7/2012 giảm 0,29%, tháng 8/2012 tăng 0,63%), một số người dùng tin chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân đã vội phê phán phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê. Thực tế lúc đó, nhiều tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI cả nước tăng đột biến.Ở góc độ khác, khi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao, đặc biệt khi có mưa bão, giá thực phẩm và rau quả tăng mạnh, các nhóm hàng hóa khác còn lại trong 10 nhóm hàng hóa thu thập thông tin để tính CPI không tăng, hoặc tăng không đáng kể, Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng thấp hơn mức tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, lúc đó người sử dụng thông tin cũng nghi ngờ Tổng cục Thống kê tính thấp, không trung thực. Trong trường hợp này, một số người sử dụng thông tin đã đồng nhất CPI của 11 nhóm hàng hóa với chỉ số giá của một nhóm hàng (nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống).
Thái độ công bằng, bình tĩnh xem xét và thể hiện chính kiến của mình về số liệu thống kê của người sử dụng có tri thức mang ý nghĩa định hướng rất lớn đối với dư luận xã hội.
Người sử dụng số liệu cũng cần biết có một số chỉ tiêu thống kê được công bố tại các thời điểm khác nhau là loại số liệu khác nhau. Chẳng hạn, chỉ tiêu GDP Quý I/2013 được công bố lần đầu vào ngày 26/3/2013 là số liệu thống kê ước tính (số liệu thống kê ước tính là số liệu thống kê dự tính trước toàn bộ kết quả của các hiện tượng hoặc quá trình KTXH còn đang tiếp diễn).
Đến ngày 26/6/2013, Tổng cục Thống kê công bố GDP của Quý II/2013 (là số ước tính), tính toán lại và công bố số GDP của Quý I/2013, lúc này là số liệu thống kê sơ bộ (Số liệu thống kê sơ bộ là số liệu thống kê phản ánh kết quả của các hiện tượng hoặc quá trình KTXH diễn ra trong khoảng thời gian, không gian nhất định nhưng chưa được khẳng định, còn phải tiến hành thẩm định, hoàn chỉnh thêm).
Đến tháng 9/2014 Tổng cục Thống kê công bố số liệu GDP chính thức của cả năm 2013 và từng quý của năm này (Số liệu thống kê chính thức là số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả của các hiện tượng, hoặc quá trình KTXH đã diễn ra trong khoảng thời gian, không gian nhất định; việc xử lý, tổng hợp và thẩm định đã kết thúc, số liệu đã được khẳng định).
Mỗi loại số liệu (ước tính, sơ bộ và chính thức) có ý nghĩa và giá trị sử dụng khác nhau, Tổng cục Thống kê công bố các loại số liệu này thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với người sử dụng và theo thông lệ quốc tế.
Số liệu thống kê hiện nay được sử dụng với mật độ cao, Chính phủ luôn yêu cầu ngành Thống kê cung cấp thông tin sớm để đánh giá, dự báo tình hình và đề ra các giải pháp kịp thời. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động của Hệ thống thống kê. Đồng thời cũng đòi hỏi Tổng cục Thống kê, thống kê bộ, ngành và địa phương phải có giải pháp phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng thông tin thống kê, không chỉ những thông tin về số lượng, phản ánh về quy mô mang tính mô tả, mà cần tăng cường cung cấp các chỉ tiêu thống kê phản ánh năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ KHĐT giao cho, ngành Thống kê luôn đề cao tính trung thực, trách nhiệm của người làm thống kê, đồng thời cần sự ủng hộ, chia sẻ của toàn xã hội trong việc cung cấp thông tin kịp thời, sát thực và rất cần sự phản biện, góp ý với tinh thần trách nhiệm của người sử dụng.
TS. Nguyễn Bích Lâm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê