Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND Thành phố dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực Thành phố.
Theo nội dung dự thảo, việc triển khai thí điểm sẽ được thực hiện từ quý I/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Số lượng phương tiện hoạt động tối đa gồm 200 xe 4 bánh sử dụng năng lượng điện từ 5 chỗ đến 14 chỗ. Vị trí đón, trả khách ngoài phạm vi đường giao thông được thỏa thuận với cơ sở lưu trú du lịch, điểm văn hóa, du lịch.
Theo đề xuất của đơn vị đầu tư, giá vé mỗi lượt là 10.000-50.000đ, giá thuê ngày là 100.000đ, giá thuê nguyên chuyến xe là 70.000-250.000đ/chuyến, thỏa thuận với hành khách theo từng chuyến, theo giờ và ngày.
Đây được xem là giải pháp để 'làm sống lại' hệ thống vận chuyển hành khách công cộng (VCHKCC) tại một thành phố nhộn nhịp và đông dân nhất nước, trong bối cảnh hoạt động này bắt đầu có xu hướng giảm mạnh từ năm 2014. Năm 2023, VCHKCC tại TPHCM chỉ phục vụ trên dưới 400 triệu lượt hành khách, đáp ứng chưa tới 8% nhu cầu, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là khoảng hơn 40%.
Trước tiên xin được ủng hộ chủ trương của Thành phố với nỗ lực đem đến những phương tiện mới phục vu người dân, nhất là các phương tiện xanh, sạch, bảo vệ môi trường.
Sau khi báo chí, dư luận đưa về những thông tin liên quan đến đề án thí điểm nêu trên, nhiều chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ xe minibus có liên hệ với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để nói về hạn chế, bất cập của loại xe này. Tập trung ở sự an toàn khi xe này tham gia giao thông công cộng ở nơi đông người. Loại xe minibus điện dự kiến được đưa vào triển khai thí điểm (đa số có nguồn gốc Trung Quốc) có nhiều điểm không phù hợp với quy định.
Cụ thể, số chỗ ngồi của loại xe này chỉ dưới 14 chỗ, trong khi Điều 5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên.
Có thể thấy, đây là loại xe tốc độ rất chậm (dưới 12 km/h) dùng trong việc tham quan tại các công viên, khu giải trí, nhà máy, các tuyến đường ven biển (đường rộng, ít xe máy), cự ly di chuyển ngắn.
Xe không có hệ thống cửa lên xuống; các hệ thống phanh, lái, tín hiệu… đều ở mức đơn giản. Động cơ điện, nguồn năng lượng và các hệ thống điều khiển năng lượng cũng rất đơn giản, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tối thiểu của một xe điện theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế về quản lý pin, quản lý năng lượng và an toàn cháy nổ.
Đi sâu về kỹ thuật, có thể thấy loại xe này sử dụng 6 bình ắc quy axit chì 12V/225Ah, là loại tạo ra rác thải nguy hại đối với môi trường, trong khi tiêu chuẩn pin ô tô điện của Việt Nam phải là loại pin Lithium và bảo đảm an toàn cháy nổ. Xe không có hệ thống phần mềm quản lý nhiệt cho ắc quy này nên ắc quy khi bị nóng sẽ không có hệ thống làm mát, dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao. Vị trí đặt ắc quy trên sàn thấp, dưới ghế ngồi, cũng dễ gây mất an toàn cháy nổ cho hành khách.
Trong khi đó, thời gian sạc pin lâu (10-12 giờ), tuổi thọ pin kém. Động cơ xe bên dưới sàn, có nguy cơ bị ngập nước khi đi qua các tuyến đường ngập mùa mưa. Ngoài ra, hệ thống truyền động điện đơn, không có các thiết bị điều khiển tự động quản lý năng lượng, inverter.
Điều đáng nói là, loại xe điện này cũng sẽ hoạt động trên các tuyến đường giao thông công cộng của TPHCM, trong dòng giao thông hỗn hợp với các phương tiện khác, tức là như một phương tiện VCHKCC tiêu chuẩn.
Khi không đáp ứng được các quy định, nhất là về an toàn cho hành khách, loại xe này sẽ có nguy cơ rất cao gây mất an toàn cho hành khách trên xe và các thành phần tham gia giao thông khác trên đường. Mặt khác, ở tốc độ chậm, loại xe này cũng là một tác nhân dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ.
TPHCM hiện có khoảng 2.100 xe bus hoạt động trên 128 tuyến, trong đó có 489 bus dùng nhiên liệu sạch khí thiên nhiên nén CNG và 15 bus điện (bus lớn). Một kế hoạch đầy tham vọng là giai đoạn 2025 - 2030, TPHCM sẽ chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng năng lượng xanh, gồm bus CNG và bus điện.
Thực tế thì lộ trình đến năm 2025 thành phố sẽ chuyển đổi 395 xe bus điện, nâng tổng số bus xanh lên 899 xe, chiếm khoảng 36% tổng xe bus hiện có. Kế hoạch đến năm 2030 sẽ chuyển đối trên 1.800 xe, đạt khoảng 73% xe bus điện. Riêng huyện Cần Giờ là "đô thị sinh thái xanh", nên ưu tiên thí điểm 100% xe bus điện, không sử dụng xe động cơ đốt trong.
Để làm được như vậy, TPHCM cần đưa vào sử dụng một lượng lớn xe Minibus điện, đáp ứng 85% lượng hành khách trong các khu dân cư cũ và mới có đường nhỏ như đã nói ở trên, cũng như phải đáp ứng cùng lúc 3 tiêu chí từ 17 chỗ trở lên; tuân thủ các quy định kỹ thuật về an toàn cho hành khách theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT và sử dụng năng lượng điện đúng tiêu chuẩn.
Theo tính toán của đề án xây dựng hệ thống xe Minibus TPHCM, để đáp ứng 40% nhu cầu VCHKCC cần có 3.200 xe minibus điện cho giai đoạn đến năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM lại đang dự kiến đưa xe điện bốn bánh loại chở khách tham quan, du lịch từ quý 1/2024 với dự thảo "Đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong trung tâm TP.HCM". Và loại xe minibus điện dự kiến được đưa vào triển khai thí điểm (đa số có nguồn gốc Trung Quốc) có nhiều điểm không phù hợp với quy định như phân tích ở trên.
Hiện nay, Việt Nam đã có các nhà sản xuất xe minibus điện đáp ứng được 3 tiêu chí trên và hướng tới xe minibus điện thông minh theo tiêu chuẩn quốc tế, có trang bị hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến ADAS trợ giúp cho lái xe làm việc thoải mái, an toàn trong dòng giao thông hỗn hợp nhiều xe máy như hiện nay, phục vụ tốt cho nhu cầu của TPHCM, Hà Nội và các đô thị đông dân khác ở Việt Nam.
Trước những băn khoăn của người dân, Thành phố có thể giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định chọn loại xe minibus điện nào để phục vụ cho VCHKCC. Thuận tiện và cơ động, giá cả phải chăng nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho hành khách, cho các phương tiện khác trên đường và bảo vệ môi trường.
Vũ Phong