In bài viết

Cần tư duy đột phá trong định hướng không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cần quan tâm đúng mức hơn về việc giải quyết những vấn đề nội tại và tư duy, tầm nhìn đột phát để mở ra không gian phát triển đa dạng hơn cho vùng Đông Nam Bộ.

16/08/2023 16:12
Cần tư duy đột phá trong định hướng không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ  - Ảnh 1.

Phiên họp báo cáo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MPI/Đức Trung

Phiên họp báo cáo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng nay (16/8) do Bộ KH&ĐT tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Báo cáo tại phiên họp, đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược phát triển cho biết, trong thời kỳ quy hoạch, vùng Đông Nam Bộ được định hướng phát triển theo 3 tiểu vùng.

Thứ nhất, tiểu vùng trung tâm (gồm TPHCM, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai) tập trung vào phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, giáo dục-đào tạo, y tế, công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đầu mối giao thương quốc tế.

Thứ hai, tiểu vùng ven biển (gồm khu vực Cần Giờ của TPHCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với trọng tâm là kinh tế biển. Đồng thời, hình thành khu thương mại tự do tại khu vực Cái Mép Hạ; phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, TP. Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Thứ ba, tiểu vùng phía Bắc (gồm Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của Đồng Nai, Bình Dương) phát triển kinh tế cửa khẩu. Trong đó, tập trung vào kho vận, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; mở rộng không gian phát triển công nghiệp; trồng cây công nghiệp; bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Xác định rõ động lực tăng trưởng

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định khá rõ nét về các vùng động lực của Đông Nam Bộ.

Vùng động lực thứ nhất là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu (vùng động lực quốc gia) bao gồm TPHCM và các địa bàn cấp huyện dọc theo Quốc lộ 22, 13, 1, 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo đó, TPHCM là cực tăng trưởng. Thành phố tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ, logistics; thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo.

Thứ hai là các khu kinh tế, khu thương mại tự do, đô thị đặc thù. Cụ thể: Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu tại Tây Ninh, Bình Phước; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp-đô thị-thương mại-dịch vụ, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Cái Mép Hạ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế TPHCM, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Vùng động lực tăng trưởng thứ ba là trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng; khu công nghệ cao; các khu công nghệ thông tin, công nghệ số; Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia TPHCM…

Cần tư duy đột phá trong định hướng không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Cần có tầm nhìn, tư duy đột phá hơn, táo bạo hơn trong việc phác họa tổ chức không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ". Ảnh: MPI/Đức Trung

3 kịch bản tăng trưởng thời kỳ 2021-2030 

Cũng tại phiên họp, Viện Chiến lược phát triển dự báo 3 kịch bản tăng trưởng trong thời kỳ 2021-2030 vùng Đông Nam Bộ.

Theo kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GRDP tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,04%/năm, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 46,8%, tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 5,4%/năm.

Dự kiến cần lượng vốn đầu tư khoảng 11,4 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, gấp 2,1 lần giai đoạn 2011-2020. Tỉ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 27%.

Dự báo đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 200 triệu đồng, tương đương 8.200 USD/người; đến năm 2030 đạt khoảng 315 triệu đồng, tương đương 11.800 USD; đến năm 2050 đạt 38.500 USD.

Đối với kịch bản trung bình, tốc độ tăng trưởng GRDP tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 7,06%/năm, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 50,9%, tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 6,4%/năm.

Dự kiến cần lượng vốn đầu tư khoảng 12,3 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, gấp 2,3 lần giai đoạn 2011-2020. Tỉ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 28%.

Dự báo đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 205 triệu đồng, tương đương 8.400 USD/người; đến năm 2030 đạt khoảng 345 triệu đồng, tương đương 13.000 USD; đến năm 2050 đạt 45.000 USD.

Cuối cùng là kịch bản phấn đấu. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 8,07%/năm, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 58,5%, tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 7,4%/năm.

Dự kiến cần lượng vốn đầu tư khoảng 15,8 triệu tỷ đồng giai đoạn 2021-2030, gấp 3 lần giai đoạn 2011-2020. Tỉ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 32%.

Dự báo thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 210 triệu đồng, tương đương 8.600 USD/người; đến năm 2030 đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; đến năm 2050 đạt 53.000 USD.

Nhận định vùng Đông Nam Bộ còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn nội tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tính toán, định hướng làm sao để khai thác được nguồn lực mới, mở ra không gian phát triển mới ví dụ như hệ thống giao thông ngầm và giao thông trên không. 

"Để vùng phát triển xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, cần có tầm nhìn, tư duy đột phá hơn, táo bạo hơn trong việc phác thảo tổ chức không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Minh Ngọc