In bài viết

Cần xác định khoa học công nghệ là ngành chủ lực

Góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Chánh Khê (Việt kiều Hoa Kỳ), cho rằng dự thảo còn khá dè dặt trong việc xác định công nghệ cao là con đường tất yếu để giải quyết một số cột mốc kinh tế.

22/02/2006 16:10

Tiến sĩ Việt kiều Nguyễn Chánh Khê, người đã trở về Việt Nam sống và làm việc sau 20 năm ở nước ngoài, cho rằng trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xác định khoa học công nghệ là một trong những ngành kinh tế chủ lực, siêu lợi nhuận để từ đó thúc đẩy và đầu tư cho công nghiệp công nghệ cao, dùng nó làm điểm tựa cho những ngành kinh tế khác.

Từ lĩnh vực của mình, Tiến sĩ Khê đã đề nghị Nhà nước dành ngân sách thích đáng cho việc sử dụng những nghiên cứu đi đầu về công nghệ cao như công nghệ nanô; phương hướng cải thiện giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có thực chất và đạo đức để làm được cuộc cách mạng về kinh tế của Việt Nam dựa trên các sản phẩm công nghệ cao.

Nhận xét về những thành tựu kinh tế mà đất nước đạt được sau 20 năm đổi mới, Tiến sĩ Khê nói: "Bà con kiều bào xa quê nhưng chúng tôi là những người hạnh phúc hơn cả khi được tận mắt chứng kiến sự "thay da đổi thịt" sâu sắc ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đất nước đã thực sự đổi mới và đạt được nhiều thành quả khích lệ. Trong đó, có thể nói, tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta ở thập niên 80 là sự khởi đầu cho một bước tiến dũng cảm, dứt khoát từ bỏ những điều chủ quan, duy ý chí, đưa đất  nước nhanh chóng ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, bước vào một giai đoạn phát triển mới văn minh, hiện đại, dân chủ. Nếu không có đường lối đổi mới do Đảng và Nhà nước chủ trương 20 năm trước đây thì làm sao có thể nối liền với thế giới bằng mạng thông tin toàn cầu từ bất kỳ ngõ ngách nào trên mọi vùng, miền của đất nước. Tuy nhiên, so với thế giới, Việt Nam vẫn còn thua kém rất xa, mặc dù có điều kiện đi tắt đón đầu. Sự giới hạn này nằm trong những định kiến có từ trước về chính sách đầu tư thiếu tầm nhìn chiến lược. Các nhà làm chính sách cần mạnh dạn và táo bạo hơn trước những luồng gió mới về khoa học, công nghệ để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho những công nghệ mới. Mặt khác, tinh thần bình đẳng trong hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài cần phải được thể hiện cụ thể và sát thực hơn.

Theo Tiến sĩ Khê, chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đi vào kinh tế thị trường mà vẫn giữ được định hướng XHCN là một chính sách "táo bạo và thành công". Thực tế tăng trưởng kinh tế lạc quan trong những năm qua cho thấy Việt Nam đang đi đúng con đường song dựa trên những phân tích cơ bản về cơ cấu và thực chất nền kinh tế, cho thấy còn có sự mất cân đối: sản phẩm công nghệ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong khi các sản phẩm công nghệ cao còn rất ít, công nghệ phần mềm chỉ chiếm 1% trong lĩnh vực xuất khẩu. Việt Nam cần có một Ban chỉ đạo quốc gia để đề ra những chiến lược và chính sách xúc tiến cụ thể về công nghệ cao như đã xây dựng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp phần mềm những năm qua. Là một đất nước có dân số trẻ, nguồn nhân lực là một thế mạnh, do vậy, Dự thảo nên có những định hướng cụ thể để sử dụng cụ thể nguồn nhân lực này, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm đột phá, đầu tư bài bản vào các lĩnh vực mới của công nghệ cao như công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học mới, công nghệ nano... Việt Nam cần chú trọng thực sự vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng hơn là chỉ học tập lý thuyết. Ngân sách cũng phải được tập trung cho những nghiên cứu mới mang tính đột phá và có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, các nguồn vốn dành cho nghiên cứu khoa học, công nghệ cao phải được ưu tiên cho những thành quả có giá trị hơn là nể nang.

"Thu hút nhân tài, phát huy nguồn lực trong và ngoài nước là quan điểm đúng đắn và sáng suốt đã được Dự thảo thể hiện rất rõ", Tiến sĩ Khê nhận xét. Ông nói thêm: "Tuy nhiên, theo tôi, Dự thảo cần có hướng gợi mở cho việc xây dựng chính sách thông thoáng hơn trong việc sử dụng hữu hiệu nguồn nhân lực Việt kiều trong các tổ chức, cơ quan Nhà nước và thật sự xem Việt kiều là một bộ phận của dân tộc. Không ít quy định  hành chính rườm rà, phức tạp không đáng có hiện nay đã tạo ra một rào cản, dung túng sự ganh tỵ đối với các chuyên gia Việt kiều đang làm việc cho các cơ quan Nhà nước khiến họ không thể phát huy hết năng lực, mặc dù rất tâm huyết và có khả năng thực sự đóng góp xây dựng quê hương  trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chuyên gia Việt kiều có nguyện vọng được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam bởi họ đã từng tham gia các hoạt động cách mạng, đấu tranh vì độc lập tự do cho đất nước trong giai đoạn kháng chiến, nay vẫn luôn một lòng hướng về Tổ quốc, vẫn mong muốn được góp sức cùng đồng bào trong nước xây dựng quê hương. Thiết nghĩ, vai trò của Đảng là kết nối chặt chẽ nguyện vọng, hoài bão vì đất nước của mọi người Việt Nam dù sống ở bất cứ nơi nào. Trong mọi bối cảnh, mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam cần có điều kiện bình đẳng để thể hiện lòng yêu nước và đóng góp hữu hiệu cho Tổ quốc".