Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence vừa công bố Chỉ số CPPI cho 348 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia.
Đáng chú ý trong số đó, cảng Cái Mép của Việt Nam giữ vị trí thứ 12, cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama - Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan - Hàn Quốc (thứ 22).
Cụm cảng Cái Mép cũng được xếp vào nhóm cảng biển lớn với sản lượng hàng container thông qua đạt hơn 4 triệu Teu/năm.
Đặc biệt, Cái Mép vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 13 (theo cách tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).
Bảng xếp hạng này căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2022.
Tại khu vực Đông Nam Á, cảng Tanjung Pelepas của Malaysia năm nay đã lên vị trí thứ 6 (năm 2021 ở vị trí thứ 16). Chỉ số CPPI thấp năm nay có một số cảng ở khu vực Bắc Mỹ như cảng Wilmington ở Bắc Carolina (vị trí thứ 44) và cảng Virginia ở vị trí thứ 52.
Chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Ngoài ra, 2 yếu tố cũng được tính toán là yếu tố tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu hơn) và yếu tố công nghệ thông tin, số hoá.
Khu vực Cái Mép - Thị Vải có khoảng 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu Teu/năm.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (khu vực Cái Mép - Thị Vải) trong năm 2022 đạt khoảng 106,7 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm.
Cụm cảng này hiện đã đưa vào khai thác các cảng container hiện đại, có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới với sức chở đến 24.188 Teu.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Nhóm 4 được quy hoạch bảo đảm thông qua lượng hàng đến năm 2030 là khoảng từ 461-540 triệu tấn, riêng hàng container từ 23 - 28 triệu Teu. Sản lượng hành khách từ 1,7-1,8 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển sẽ đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5-3,8%/năm. Hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1%/năm.
Trong đó, cảng biển Cái Mép được quy hoạch với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Khu bến có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000 - 250.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và tàu tổng hợp, hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 DWT hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải.
Trong khi đó, khu bến Thị Vải được quy hoạch nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Khu bến có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, đến 60.000 DWT tại Mỹ Xuân và đến 30.000 DWT phía thượng lưu cầu Phước An.
Tại khu vực TPHCM, các khu bến tiếp nhận tàu có trọng tải thấp hơn. Trong đó, khu bến Cát Lái - Phú Hữu được quy hoạch nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam, liên vùng, cả nước và trung chuyển hàng cho Vương quốc Campuchia.
Khu bến có bến container, tổng hợp, hàng rời; khai thác với quy mô hiện hữu, không mở rộng, nâng cấp, tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT và đến 45.000 DWT giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác của các tuyến luồng hàng hải và tĩnh không thông thuyền của công trình vượt sông.
Đối với khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) được quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam (phục vụ di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn). Khu bến có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải.
Riêng các khu bến trên sông Sài Gòn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và vùng phụ cận, có bến tổng hợp, container, bến khách, hàng lỏng và sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TPHCM.
Phan Trang