Hôm nay (7/5), cảng HICT đã đón thành công tàu mẹ Wan Hai 805 sức chở 11.923 TEU, trọng tải 132.000 DWT, chiều dài 330m của liên minh 3 hãng tàu Wan Hai (Đài Loan), Cosco (Trung Quốc), PIL (Singapore), khai thác thường xuyên tại cảng HICT trên tuyến dịch vụ CP1/SEA/AC5 kết nối trực tiếp miền Bắc Việt Nam với khu vực Bờ Tây Hoa Kỳ theo hải trình HICT – Nansha – Hong Kong - Yantian – Long Beach – Oakland – Yantian.
Tuyến dịch vụ mới này rút ngắn thời gian vận chuyển từ 25 ngày xuống 19 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước đây.
Trước đó, ngày 11/4, cảng HICT cũng đón thành công tàu mẹ Northern Jaguar sức chở 8.814 TEU, trọng tải 108.731 DWT, chiều dài 334m trên tuyến dịch vụ PN2 do liên minh THE ALLIANCE giữa ba hãng tàu Hapag Lloyd, Ocean Network Express, Yang Ming đưa vào khai thác thường xuyên, kết nối trực tiếp miền Bắc Việt Nam với Tacoma (Hoa Kỳ) và Vancouver (Canada).
Tuyến dịch vụ này rút ngắn thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi bờ Tây Hoa Kỳ và Canada từ 25 ngày xuống 17 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước đây.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, việc tiếp tục khẳng định năng lực tiếp nhận các tàu mẹ có trọng tải lớn và vị thế của cảng HICT trong lĩnh vực khai thác cảng container tại khu vực Hải Phòng, là dấu mốc cho việc phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển xuyên đại dương trực tiếp từ cảng HICT nói riêng và khu vực miền Bắc Việt Nam nói chung đến các cảng Châu Mỹ và Châu Âu mà không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài.
“Việc triển khai tuyến mới này này làm thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc Việt Nam, làm giảm đáng kể chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Nguyễn Xuân Bình nói.
|
Lô hàng đầu tiên được vận chuyển đến tàu Wan Hai 805. Ảnh: Báo Giao thông |
Về phía cơ quan quản lý ngành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhận định, sự kiện đón tàu lớn nhất từ trước tới nay vào cập cảng tại khu vực miền Bắc là sự nỗ lực lớn của nhiều cơ quan, trong đó có Tân Cảng. Sự kiện này đã đưa Việt Nam vào bản đồ hàng hải quốc tế, là một trong 20 cảng trên thế giới có khả năng đón tàu siêu trường siêu trọng chở container. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng đây mới chỉ là bước đầu, là bước quan trọng nhưng các đơn vị, đặc biệt là Tân Cảng phải phát huy năng lực, phối hợp tốt với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng như các cơ quan khác và TP.Hải Phòng mới có thể vận hành và phát triển hiệu quả.
Hiện tại, cảng HICT đang tiếp nhận 6 tuyến dịch vụ mỗi tuần trong đó 2 tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương, 2 tuyến dịch vụ đi Ấn Độ và, 2 tuyến dịch vụ đi các nước trong khu vực nội Á. Cảng luôn đảm bảo năng suất giải phóng tàu cao và chất lượng dịch vụ tốt, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để thông quan hàng hóa nhanh chóng được các Hãng tàu, khách hàng đánh giá cao. Thời gian tới, cảng HICT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng vụ để đón thêm các tàu mẹ lớn trên tuyến xuyên Đại Dương và các tàu container tuyến nội Á để kết nối Miền Bắc, Việt Nam với các Châu lục, đồng thời đón các tàu nội địa và các tuyến vận tải thủy nội địa để kết nối 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Như vậy, cảng Hải Phòng là cảng thứ hai của Việt Nam đón được tàu siêu trường, siêu trọng sau khi Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đón tàu container MARCO POLO tải trọng 187.000 tấn, sức chở gần 17.000 TEU thành công vào ngày 11/1/2019. Tàu container MARCO POLO nằm trong số những con tàu container lớn nhất trên thế giới chính thức được đưa vào khai thác tại Việt Nam chuyển hàng trực tiếp đi các nước.
Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng vận tải biển thế giới (World Shipping Council), 15/20 cảng biển thuộc TOP 20 trên thế giới nằm ở khu vực Đông Á. Trong đó, đứng đầu là Cảng Thượng Hải; tiếp theo là các cảng: Cảng Singapore; Cảng Busan (Hàn Quốc),Cảng Keihin (Nhật Bản)…20 cảng biển nước sâu này đều có khả năng đón tàu siêu trường siêu trọng.
Phan Trang