Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức dự |
Trong hoàn cảnh Đảng trở thành Đảng cầm quyền, thì đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa cá nhân chính là một “kẻ thù hung ác”. Hồ Chủ tịch đã nhiều lần chỉ ra những căn bệnh đang tồn tại trong các cơ quan Đảng, chính quyền, trong một bộ phận đảng viên. Đó là bệnh tự mãn, tự túc, hiếu danh hiếu vị, tư tưởng địa phương chủ nghĩa; đầu óc hẹp hòi, đặt lợi ích địa phương, cục bộ lên trên lợi ích của quốc gia; óc bè phái, óc quân phiệt, quan liêu, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa là những “ung nhọt” phá hoại đạo đức, văn minh của Đảng cầm quyền.
Mắc những bệnh như trên, người thì bòn rút của công, cậy quyền, ỷ thế, nhận hối lộ; người thì dối trên, lừa dưới, chạy chức chạy quyền nhằm “vinh thân phì gia”, phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng.
Kết quả là quần chúng không tin họ, càng không yêu họ và ngày càng rời xa họ. Đó là những con sâu mọt trong Đảng, là kẻ thù của nhân dân và của chủ nghĩa xã hội (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9).
Là người sáng lập, người luôn quan tâm rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt nêu rõ những biểu hiện, những tác hại của các tệ nạn; mặt khác, Người nhấn mạnh rằng: Chừng nào cán bộ, đảng viên của Đảng chưa chiến thắng được những nọc độc của chủ nghĩa cá nhân, thì chừng đó trong Đảng vẫn sẽ còn những hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, Đảng không thể “là đạo đức, là văn minh” lại càng không thể lãnh đạo được quần chúng.
Từ tháng 4/2006, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã thẳng thắn chỉ ra những tổn tại trong Đảng như “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém cả về nhân phẩm và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng… Bệnh cơ hội chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền… làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết, trong đó tiếp tục chỉ ra: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục… nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”.
Nhớ lại những lời dạy của Bác năm xưa, trước tình trạng này, công tác xây dựng Đảng phải được đặt lên hàng đầu và cần phải được tiến hành trên cả 3 mặt: Tư tưởng, chính trị và tổ chức.
Về tư tưởng, phải lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng cho tư tưởng và hành động của mọi đảng viên.
Coi dân là gốc, coi lợi ích của người dân là lợi ích tối cao. Ngoài lợi ích của dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm. Việc gì có hại cho dân, thì dù hại ít cũng phải tránh.
Về chính trị, thì phải nắm vững hai mục tiêu: Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.
Nhằm hai mục tiêu ấy, trong cuộc sống, phải phấn đấu thực hiện phương châm: “mình vì mọi người, để mọi người vì mỗi người”. Cá nhân lo đóng góp cho xã hội, để xã hội có điều kiện cơ sở lo cho mỗi cá nhân. Trên cơ sở cống hiến tận tình của mỗi cá nhân, mà xã hội lo cho sự phân phối công bằng trong xã hội, xóa bỏ được tình trạng bần cùng hóa.
Về tổ chức, công tác xây dựng Đảng không thể chấp nhận tình trạng Đảng đông nhưng không mạnh. Đảng phải là một tổ chức có hệ thống chặt chẽ; các cấp bộ Đảng phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ-tập trung; phải thống nhất ý chí để thống nhất hành động; phải thực hiện kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, mất phẩm chất, không chịu sửa chữa sai lầm, gây tác hại đến uy tín của Đảng, mất lòng tin của nhân dân.
Xây dựng Đảng được thành công, ta mới củng cố được một chính quyền vững mạnh vì dân và được lòng dân nhiệt tình ủng hộ.
Trần Thái Bình