Khi mới đi vào hoạt động, mỗi khi tàu vào đến phao số 0, là đoàn thủ tục, khoảng chục người (gồm cảng vụ, hải quan, biên phòng, kiểm dịch, y tế) lên thuyền ra vịnh Vũng Áng để lên tàu. Xong thủ tục, nhanh cũng mất cả buổi trời. Thời tiết thuận lợi còn đỡ, chứ hôm nào mà sóng to, gió lớn, thời gian làm thủ tục sẽ bị kéo dài. Việc chờ đợi cả buổi trời làm thủ tục đã gây thiệt hại hàng nghìn USD đối với tàu lớn, cỡ một vài vạn tấn. Làm thế nào để giảm phiền hà và chi phí cho chủ tàu, chủ hàng (?) đó là trăn trở của lãnh đạo CVHT. Giải pháp cải cách thủ tục được tính đến, thay vì ra tàu thì CVHT đã mời chủ hàng, chủ tàu đến văn phòng cảng vụ làm thủ tục. Đoàn làm thủ tục chỉ còn bốn đến năm người. Nhất là, thời gian làm thủ tục trên bờ dần được rút ngắn tối đa. Đến nay, thời gian ấn định làm thủ tục đối với tàu nước ngoài không quá 30 phút, và tàu Việt Nam khoảng 10-15 phút. Thời gian nằm chờ làm thủ tục như trước đây hầu như đã chấm dứt.
Giám đốc CVHT Vương Bình Minh cho biết: Do vịnh nước sâu, nhiều tàu nước ngoài chuyên dùng loại lớn thường xuyên ra vào cảng, trong lúc bến số 1 không đủ chiều dài để cho phép tàu lớn cập bến. Để tháo gỡ "nút thắt" này, CVHT đã có sáng kiến và được Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) chấp thuận, làm thêm các mố neo ở hai đầu bến số 1 để tiếp nhập tàu "béo" có tải trọng đến 45 nghìn tấn vào làm hàng. Bên cạnh đó, các đội bốc xếp của Công ty CP Vũng Áng Việt Lào luôn làm việc với tinh thần "một cửa, không dấu". Tàu cập cảng, lực lượng sẵn sàng, xong thủ tục là mở máng bốc hàng ngay; thay ca trước giờ 15 phút... nên năng suất bốc xếp của cảng Vũng Áng cao gấp 1,5 - 2 lần so các cảng trong khu vực. Trước năm 2010, do cảng Vũng Áng mới có mỗi bến số 1 và bến này luôn trong tình trạng quá tải, vượt công suất thiết kế từ 2,5 đến ba lần. Chính vì thế, đã xảy ra tình trạng tranh chấp tàu ra vào bến. Trước tình hình đó, CVHT đã tổ chức tuyên truyền pháp luật liên quan, nội quy cảng biển đến từng chủ tàu, chủ hàng và đại lý nên tình trạng tranh chấp giữa các chủ tàu không còn nữa, trật tự bến cảng được thiết lập...
Đến giữa năm 2010, bến số 2 cảng Vũng Áng chính thức đi vào hoạt động cùng với việc các dự án lớn ở Khu kinh tế Vũng Áng đang triển khai quyết liệt nên lượng tàu nước ngoài, có tải trọng 30-45 nghìn tấn đến cảng ngày một nhiều. Nếu cứ theo nội quy cảng biển trước đây, tàu có tải trọng lớn không được cập, rời bến vào ban đêm, gây khó khăn và tốn kém cho chủ tàu, chủ hàng; đồng thời việc khai khác cảng bị hạn chế. Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành hàng hải và trên cơ sở pháp lý, Giám đốc CVHT Vương Bình Minh đã tự tin lên phương án, đề xuất với Cục HHVN thí điểm cho phép tàu lớn rời, cập cảng Vũng Áng vào ban đêm. Trong suốt năm 2010 và đầu năm 2011, CVHT cùng các ngành chức năng đã tiến hành thử nghiệm 78 lượt tàu có tải trọng từ 30 đến 45 nghìn tấn (chủ yếu là tàu nước ngoài) cập, rời bến số 1 và 2 cảng Vũng Áng vào ban đêm đều bảo đảm an toàn và thành công.
Cũng trong thời gian này, CVHT còn thử nghiệm thành công việc lai dắt các tàu siêu trọng có chiều dài 170-190 m rời, cập cảng bằng các tàu kéo hiện có của cảng Vũng Áng. Trước đây, các loại tàu này muốn cập, rời cảng Vũng Áng phải thuê thêm tàu kéo ở các cảng khu vực như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đồng thời, CVHT đã tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, đề xuất và được sự đồng ý đã cho phép bến số 2 tiếp nhận tàu 50 nghìn tấn vào làm hàng bảo đảm an toàn (trong lúc bến số 2 quy định tối đa tàu 45 nghìn tấn vào làm hàng). Ngoài ra, CVHT còn cho phép Tổng kho xăng dầu Vũng Áng thử nghiệm (thành công) tàu chở dầu có tải trọng 18 nghìn tấn cùng tàu chở ga cập, rời cảng chuyên dùng Vũng Áng.
Việc thử nghiệm thành công, bảo đảm 100% số lượt tàu thử nghiệm cập, rời cảng ban đêm an toàn, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra đã góp phần bảo đảm việc khai thác cảng một cách liên tục, thu hút ngày càng nhiều tàu và hàng hóa thông quan cảng, góp phần phát triển kinh tế ở khu vực. Chỉ tính riêng năm 2011, đã có 952 lượt tàu vào làm hàng với hơn 1,46 triệu tấn hàng thông qua cảng Vũng Áng, vượt 10% công suất thiết kế bến số 1 và 2 cảng Vũng Áng. Ông Guo Dian Sheng, Thuyền trưởng tàu WINTEC 45 nghìn tấn (quốc tịch Hồng Công, Trung Quốc) liên tục đến cảng Vũng Áng làm hàng cho biết: Nhờ việc cho phép tàu lớn rời, cập cảng vào ban đêm đã giảm thời gian chờ đợi của chủ tàu, chủ hàng; tiết kiệm được nhiều thời gian và hàng chục nghìn USD chi phí cho các bên liên quan cho mỗi chuyến hàng...
Không chỉ có vậy, CVHT còn tham mưu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở Khu Kinh tế Vũng Áng nhập thiết bị siêu trường, siêu trọng bảo đảm an toàn và giảm thiểu chi phí. Cụ thể, CVHT đã chủ động nghiên cứu, lên phương án và chủ trì hướng dẫn chủ tàu, Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện và Công ty CP cảng Vũng Áng Việt Lào tổ chức thực hiện đúng quy trình xếp dỡ thiết bị siêu trọng (bao hơi, lò hơi của nhà máy nhiệt điện nặng 360-460 tấn) và vận chuyển về tận chân công trình bảo đảm an toàn. "Với kinh nghiệm bốc xếp bao hơi và nồi hơi này, Vũng Áng sẽ tiếp tục nhận nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng lớn hơn nữa của siêu dự án Formosa trong thời gian tới". Những nỗ lực của CVHT đã góp phần trong việc bảo đảm kế hoạch sản xuất hiệu quả, giải phóng tàu nhanh, giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí cho chủ tàu, chủ hàng và các đối tượng có liên quan; tăng khả năng thông quan hàng hóa cho cảng Vũng Áng, thu hút ngày càng nhiều tàu và hàng hóa qua cảng.
Nhân dân