In bài viết

Cảnh báo lừa đảo thương mại khi xuất khẩu sang thị trường Malaysia

(Chinhphu.vn) - Thương vụ Việt Nam tại Malaysia thông tin, gian lận và lừa đảo thương mại là những vụ việc thường xuyên xảy ra trong giao thương quốc tế do bên mua và bên bán không giao dịch trực tiếp mà chỉ thông qua thư điện tử hay trao đổi qua điện thoại.

16/08/2023 18:11
Cảnh báo lừa đảo thương mại khi xuất khẩu sang thị trường Malaysia - Ảnh 1.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia cho biết, lừa đảo trong giao thương để chiếm đoạt tài sản thường xảy ra hơn so với các vụ gian lận thương mại - Ảnh minh họa

Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia cho biết, lừa đảo trong giao thương để chiếm đoạt tài sản thường xảy ra hơn so với các vụ gian lận thương mại. Với những hợp đồng lớn, các doanh nghiệp nên phối hợp với Thương vụ để có được sự hỗ trợ từ phía địa bàn trong các khâu như gặp trực tiếp đối tác, xác định tính pháp lý của doanh nghiệp và xử lý nhanh những vấn đề phát sinh.

Cần phối hợp với Thương vụ để xác định tính pháp lý của đối tác

Ở nước sở tại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia có thể dễ dàng và nhanh chóng xác định được tên, địa chỉ của doanh nghiệp và mã số kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp nên xác định địa chỉ của đối tác thông qua Google Map để xác định địa chỉ có tồn tại hay không.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra website của doanh nghiệp để xác định những thông tin có trùng khớp hay không, đặc biệt là lưu ý số điện thoại cố định và những giấy tờ có dấu của doanh nghiệp.

Tại Malaysia, tên doanh nghiệp thường đi cùng với loại hình doanh nghiệp. Ví dụ, sau tên công ty có cụm từ Bhd là công ty, Sdn là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Những doanh nghiệp trao đổi bằng số điện thoại di động thường không đáng tin cậy và nên sử dụng cuộc gọi video trực tuyến (video call) để nhận diện đối tác.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, để xác định năng lực tài chính của doanh nghiệp đối tác, Thương vụ thường phải trả phí để các cơ quan chức năng Malaysia cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, đối với khâu thanh toán, các doanh nghiệp lưu ý cần tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Đồng thời, hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn; nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang; gọi trực tiếp trước khi chuyển tiền và đề nghị có sự xác nhận trực tiếp của doanh nghiệp; địa chỉ nhận tiền phải là tên doanh nghiệp, không phải là tên cá nhân...

Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN 

Năm 2023, Việt Nam và Malaysia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 8 năm quan hệ Đối tác Chiến lược. Hai nước đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; quan tâm và duy trì các cơ chế hợp tác. Hai nước cùng quan tâm và có chung lập trường với nhiều vấn đề khu vực, quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Trên nền tảng quan hệ chính trị vững chắc, hợp tác thương mại, đầu tư hai nước liên tục phát triển, Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới; là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong ASEAN.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 14,68 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2021. Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam, đứng thứ 10/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 702 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hợp tác về lao động, du lịch, giáo dục cũng là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 12.000 người đang làm việc hợp pháp tại Malaysia; có khoảng 1.000 sinh viên du học tại Malaysia. Malaysia nằm trong nhóm 10 thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam.

Phan Trang