Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, gần đây xuất hiện hàng loạt trang fanpage mạo danh bệnh viện này để tiếp cận người dân nhằm chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng.
Các thủ đoạn lừa đảo được "nâng cấp" liên tục. Từ lập tên trang mạo danh lập lờ dễ gây hiểu nhầm, như “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108, “Bệnh viện Quân đội 108”… đến thực hiện sao chép, đăng tải trái phép các bài đăng, logo, slogan trên fanpage chính thức của bệnh viện; cắt ghép hình ảnh, video về Bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo sản phẩm.
Nhiều trang mạng giả mạo còn mạo danh bác sĩ của Bệnh viện để tăng độ tin cậy với người dân, từ đó tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch.
Bên cạnh sự "bùng nổ" các trang mạng xã hội mạo danh (trên Facebook, Tiktok, Zalo…), nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện 108.
Cá biệt có đối tượng còn lập một đoàn người giả danh Bệnh viện 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các địa bàn ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai.
Nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, Bệnh viện 108 thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng; đồng thời cảnh báo người dân đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) vừa phát đi cảnh báo về việc có nhiều đối tượng sử dụng mẫu giấy giả mạo Bệnh viện để kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ từ thiện.
Theo phản ánh, một tài khoản Facebook tên Nguyễn Văn Quân chia sẻ có con trai mắc viêm não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Qua 2 tháng điều trị nhưng bé không qua khỏi do tình trạng nặng. Vì khó khăn, không xoay sở được tiền để đưa con về quê lo hậu sự, nên người này đăng bài viết mong sự giúp đỡ của cộng đồng mạng.
Ngoài trình bày hoàn cảnh và đăng cả số tài khoản ngân hàng tên Nguyễn Văn Quân, bài viết của người này còn đăng hình ảnh một giấy chứng nhận được cho là của Bệnh viện Nhi đồng 1. Giấy này có nội dung xác nhận bệnh nhân tên Nguyễn Văn Bảo (2022) đã tử vong, có dấu mộc, tên trưởng khoa điều trị và cả dấu của Giám đốc Bệnh viện.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Bệnh viện đã rà soát và xác định, không có bệnh nhi nào như phản ánh. Các thông tin, giấy tờ nói trên đều là giả, là chiêu trò mạo danh để kêu gọi từ thiện.
Đáng nói, nội dung trong giấy chứng nhận giả nói trên từng đã được sử dụng trong một vụ giả mạo hồi tháng 3 vừa qua, được một bài viết khác đăng tải cùng mục đích kêu gọi cộng đồng hỗ trợ để lo hậu sự cho con. Lúc đó, tài khoản nhận ủng hộ từ thiện lại mang tên một người khác.
Cũng tại TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát hiện một trường hợp làm giả giấy tờ để kêu gọi từ thiện. Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, người dân liên hệ xác nhận tại Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện, tránh để lòng tốt bị lợi dụng.
Nhật Nam