Miền Trung mưa đặc biệt lớn
Sáng 23/10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác phòng chống thiên tai, ông Vũ Xuân Thành - Phó Chánh văn phòng chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của trực ban tổng hợp, trong đêm qua các tỉnh khu vực miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi xảy ra mưa đặc biệt lớn, mưa tập trung ở khu vực đồng bằng, ven biển. Đến sáng nay, một số nơi đã tạnh mưa. Lũ trên các sông ở mức BĐ1-BĐ2. Theo cập nhật nhanh của các địa phương thì chưa có thông tin ghi nhận về tình hình ngập lụt, chia cắt giao thông.
Theo dự báo, từ sáng sớm 23/10 đến ngày 25/10 ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa to đến rất to và dông, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 450mm. Từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum với lượng mưa từ 50-150mm, có nơi trên 200mm… Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Để chủ động ứng phó, ngày 22/10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có Công điện số 15/CĐ-VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định đề nghị triển khai thực hiện một số nội dung nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ; văn bản số 486/VPTT ngày 22/10/2021 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình về chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác phòng chống thiên tai. |
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng đã ban hành văn bản số 110/QGPCTT đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh Trung Bộ và Tây nguyên; Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam về việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu tại cuộc họp, Ông Vũ Xuân Thành nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
Đặc biệt cần nắm bắt tình hình, thông tin về ngập lụt, chia cắt giao thông. Tại Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây nguyên, xem xét cử cán bộ trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát, nắm bắt tình hình.
Đối với khu vực miền núi, cần kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn các ao hồ có nguy cơ mất an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó mưa lũ. |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ
Sáng 23/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Công điện số 1420/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
Công điện gửi: Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, gia đình chính sách; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ sau: Chủ động rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã xảy ra mưa lớn vừa qua và đã xảy ra sạt lở đất năm 2020. Lưu ý bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Khắc phục nhanh các sự cố do đợt mưa lũ vừa qua, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ đập xung yếu, đã đầy nước.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. |
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.
Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Thứ ba, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân cư; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ tư, Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ bảo đảm an toàn, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.
Thứ năm, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất, hệ thống điện, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Thứ sáu, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Mưa lớn tại Trung Bộ, có nơi hơn 400mm |
CẢNH BÁO MƯA LỚN TRÊN 450mm, NGUY CƠ LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 22/10 đến trưa ngày 23/10, ở Quảng Bình đến Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến (lượng mưa tính từ 7h ngày 22/10 đến 07h ngày 23/10) từ 50-100mm, có nơi trên 150mm; riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 449.6mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 478.4mm, Hành Dung (Quảng Ngãi) 475.2mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 431.8mm, An Hưng (Bình Định) 302.8mm,…
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên từ chiều nay (23/10) đến ngày 25/10 ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Quảng Nam đến Bình Định tiếp tục có mưa rất to với lượng mưa phổ biến ở:
- Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên từ 50-150mm, có nơi trên 150mm.
- Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định từ 200-350mm, có nơi trên 450mm.
- Kon Tum và phía Bắc Gia Lai từ 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Ngoài ra, trong hôm nay và ngày mai (24/10), ở khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm (thời gian mưa tập trung chủ yếu vào chiều và tối).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông./.