Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long vừa thông tin nội dung này tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 do Bộ tổ chức chiều 6/9.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tính từ tháng 5 đến tháng 8/2023, các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành xử lý thông tin của hơn 11 triệu thuê có thông tin chưa trùng khớp thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, có 3,55 triệu thuê bao đã chuẩn hoá, 7,5 triệu thuê bao đã bị khoá 1, 2 chiều và thu hồi (do giấy tờ hết hạn, giấy tờ có thông tin nghi vấn…).
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trước đây, Bộ chỉ có thể xem xét thông tin thuê bao khi có thông tin nghi ngờ vì không có cơ sở dữ liệu chuẩn để đối chiếu. Do đó, trong nhiều năm, vấn đề này không được xử lý hiệu quả. Đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phép kết nối để đối soát thì Bộ bắt tay thực sự triển khai việc này.
Hiện nay, mỗi tháng, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu sim được phát hành ra thị trường. Trong đó, 3 nhà mạng lớn Viettel, Vinaphone, Mobifone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã và đang kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tức là khi phát triển thuê bao mới sẽ đối soát thông tin khách hàng trực tiếp với dữ liệu này, nếu không khớp thông tin sẽ không phát triển thuê bao mới.
Còn 15% thuê bao phát triển mới thuộc các nhà mạng khác chưa có cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện, Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng trong tháng 9 này phải hoàn thiện, bảo đảm vấn đề bảo mật để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phát triển thuê bao mới.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng thừa nhận, hiện nay có tình trạng sẵn sàng đứng hộ thông tin cá nhân chính chủ để đăng ký thuê bao. Trong đó, các đại lý đang sử dụng hình thức này, họ thuê người đứng hộ tên.
"Người dân chỉ đơn giản nghĩ là đứng hộ tên thuê bao, nhưng họ đã vô tình tạo ra những sim có thông tin chính chủ nhưng lại không phải chính chủ sử dụng. Những sim này được các đại lý bán cho khách hàng, vì vậy, vẫn có nhiều sim không chính chủ được bán ra thị trường", Thứ trưởng Long lý giải.
Sim rác là thông tin thuê bao không đúng hoặc đúng nhưng không chính chủ. Cuộc gọi rác, tin nhắn rác có thể được gọi ra từ sim chính chủ (từ người làm ngành marketing) hoặc từ sim rác. Vì vậy, dù không có sim rác thì vẫn có cuộc gọi rác. Việc xử lý sim rác và cuộc gọi rác hoàn toàn khác nhau. Trên thế giới vẫn xảy ra vấn nạn này. Hiện nay, chúng ta chưa có công cụ để xử lý hiệu quả vấn đề này.
Hiện nay, 80% trong 1,5 triệu sim do các nhà mạng phát hành ra thị trường là được phát hành từ các đại lý, 10% từ các nhà mạng, 10% từ các kênh chuỗi.
Đối với tin nhắn rác, chúng ta có thể dùng thuật toán có thể ngăn chặn được. Còn các cuộc gọi rác thì khó ngăn chặn hơn.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, có 2 nhóm liên quan các cuộc gọi rác, đó là giả mạo cơ quan nhà nước như công an, toà án, ngân hàng và quảng cáo.
Đối với vấn đề giả mạo cơ quan nhà nước, Bộ sẽ làm việc với các cơ quan quản lý như công an, viện kiểm soát, ngân hàng (những lĩnh vực đang bị lợi dụng lừa đảo nhiều nhất), khi gọi đến công dân đều phải có định danh.
Hiện, các nhà mạng đã triển khai thí điểm các cuộc gọi ra như trên.
Thứ hai là các cuộc gọi từ doanh nghiệp gọi đến quảng cáo. Bộ yêu cầu phải có định danh tên của doanh nghiệp khi gọi quảng cáo. Cụ thể, các doanh nghiệp đăng ký quảng cáo thì phải đăng ký định danh tên khi gọi hoặc nhắn tin quảng cáo.
Bộ sẽ tăng cường xử phạt các doanh nghiệp nếu phát sinh cuộc gọi quảng cáo mà không đăng ký định danh tên doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lấy số điện thoại thường gọi quảng cáo cũng sẽ bị xử phạt hành chính.
Hiền Minh