Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ (Sở Y tế), chì là một kim loại nặng, nếu ăn phải thì nó sẽ tích tụ từ từ trong cơ thể, gây ra tình trạng rối loạn về mặt di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đặc biệt là gây ra tình trạng thiểu năng trí tuệ ở trẻ em. Trung bình liều lượng chì tối đa có thể chấp nhận hằng ngày cho người do thức ăn cung cấp, được tạm thời quy định là 0,005mg/kg thể trọng. Ngộ độc cấp tính do chì thường ít gặp; nhưng ngộ độc thường diễn là do ăn phải thức ăn có chứa một lượng chì, tuy ít nhưng liên tục hằng ngày. Chỉ cần hằng ngày cơ thể hấp thu từ 1mg chì trở lên, sau một vài năm, sẽ có những triệu chứng đặc hiệu như: hơi thở thối, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên tay bị biến dạng, mạch yếu, nước tiểu ít, phụ nữ dễ bị sẩy thai.
Vậy vì sao kim loại chì lại xuất hiện trong rau xanh? Cũng theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, nguyên nhân của việc nhiễm chì có thể do cách bảo quản rau xanh của người bán như để gần đường, không che đậy, khói bụi bám vào… Rau xanh nhiễm chì còn có thể là do nông dân đã trồng rau ở những nơi có nguồn đất, nguồn nước bị nhiễm độc, gần bãi rác, môi trường ô nhiễm hoặc sử dụng nước thải để tưới rau. Ngoài ra, hàm lượng chì trong rau cao còn là do một số nông dân sử dụng xăng, dầu nhớt pha với thuốc bảo vệ thực vật loại rẻ tiền, độc tính cao đề trừ sâu rầy. Mặc dù chất độc của chì trong các dạng trên không làm ngộ độc cấp tính nhưng nếu dùng phải thức ăn có hàm lượng chì cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt có thể gây suy gan, thận và ảnh hưởng đến thần kinh.
Thiết nghĩ, trước tình trạng xuất hiện rau nhiễm chì, để bảo vệ sức khỏe người dân, trước mắt, các cơ quan chức năng trong tỉnh nên tăng cường khâu kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nguồn cung cấp rau xanh, tăng cường thêm các điểm bán rau sạch ở các chợ để người dân có cơ hội được chọn mua rau sạch, rau an toàn…
File dính kèm