Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục triệt phá tín dụng đen
Những ngày cận Tết nhu cầu vay tiền để giải quyết công việc của người dân tăng cao, rất nhiều tổ chức "tín dụng đen", cho vay lãi nặng núp dưới vỏ bọc công ty tài chính quảng cáo, dán tờ rơi khắp nơi, đánh lừa người vay nhẹ dạ bằng mác "cho vay từ ngân hàng thật". Những nạn nhân đã vay tiền bị đòi nợ bằng nhiều cách thức hăm dọa. Cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng vấn nạn này vẫn không giảm.
Nguyên nhân là do nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập cũng như đời sống người lao động bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhu cầu tài chính của người dân tăng cao vào những tháng cuối năm.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng công an đã khởi tố gần 100 vụ án với gần 500 bị can hoạt động tín dụng đen.
Đáng lưu ý là có nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến công nghệ cao, thậm chí có cả đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam thành lập các công ty rồi thuê nhân viên là người Việt Nam.
Hoạt động tín dụng đen chủ yếu trên môi trường không gian mạng và cho vay với lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm/năm.
Khoản vay có số tiền rất nhỏ nhưng cộng lãi suất với các khoản phí thì số tiền người vay phải trả rất lớn.
Hình thức hoạt động phổ biến của tội phạm tín dụng đen là các đối tượng tạo lập ứng dụng, website giả mạo có logo, tên gọi, địa chỉ truy cập gần giống với các ứng dụng của ngân hàng, công ty tài chính chính thống để lôi kéo người vay.
"Vừa qua, cơ quan công an đã triệt phá một số nhóm tội phạm núp bóng dưới công ty luật. Chúng mua bán các khoản nợ của công ty tài chính rồi gọi điện đe dọa người vay, người thân, đồng nghiệp của người vay để đòi nợ. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản", Thiếu tá Sơn cho hay.
Về tình hình tội phạm tín dụng đen trong những tháng tới, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và có hành vi đòi nợ gây bức xức trong dư luận.
Về giải pháp trong thời gian tới, để hạn chế tội phạm tín dụng đen, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn cho biết Cục Cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục tăng cường đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm tín dụng đen.
Trên thực tế đang có nhiều người đã bị lừa đảo lần 1, sau đó tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác với số tiền có khi lên tới hàng tỉ đồng bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khẳng định 100% các hội nhóm hỗ trợ "lấy lại tiền bị lừa" đều có dấu hiệu lừa đảo. Đáng chú ý, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng vấn nạn này vẫn không giảm.
Hiện tại, trên Facebook, các hội nhóm có tên "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng"… xuất hiện tràn lan kèm theo các trang web giả mạo với giao diện tương tự website của đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư…
Phía dưới các bài đăng là hàng loạt tin nhắn bình luận có nội dung "đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết".
Những bài bình luận hoặc tin nhắn trong các hội nhóm giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.
Chiêu trò của các đối tượng lừa đảo dù không mới nhưng rất tinh vi nên khiến nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy.
Đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người dùng gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3-5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với cơ quan chức năng của Việt Nam.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên không gian mạng.
Biện pháp quan trọng là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, bởi việc lộ, lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Trường hợp đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo.
Dịp gần tết, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo cần cảnh giác với các cuộc gọi lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Cán bộ công an cơ sở, đồng chí Nguyễn Văn Thành (Công an phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đơn vị thường xuyên nhắc nhở công dân trên địa bàn lưu ý khi sử dụng các trang mạng xã hội. Theo đồng chí Thành, tội phạm công nghệ cao hoạt động rất mạnh vào dịp cuối năm, đánh vào lòng tin của bà con, những bác cao tuổi, thậm chí cả những người đã bị lừa tiền để tiếp tục lừa đảo.
"Bà con nhân dân không nghe theo bất cứ những lời doạ nạt hay đường mật của các đối tượng. Tất cả các vấn đề liên quan đến bà con nhân dân, cảnh sát khu vực sẽ trực tiếp trao đổi hoặc liên lạc trực tiếp. Kính mong bà con chia sẻ đến với đông đảo người quen, người thân đề cao cảnh giác, phòng ngừa tốt, có một năm mới thật vui vẻ", đồng chí Thành nêu rõ.
Phương Liên