Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Chuyển đổi số, xây dựng mô hình ngân hàng số cần có sự tham gia, phối hợp tích cực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan. Ảnh:VGP. |
Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số
Đây là một thông tin được chia sẻ tại hội thảo về “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá (CNH-HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Đại diện ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức đòi hỏi cần có sự chuyển đổi để bắt kịp và thích ứng với bối cảnh mới. Tại Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị và Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Theo đó, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; rà soát, ban hành quy định pháp lý đáp ứng mô hình ngân hàng số, các dịch vụ ngân hàng số, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, bảo vệ dữ liệu, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, an ninh, an toàn; các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị); nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số; ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực (theo McKinsey).
Bên cạnh đó, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số...
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như chuyển đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phải phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, cần phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp. Đặc biệt, Phó Thống đốc lưu ý cần bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
"Chuyển đổi số, xây dựng mô hình ngân hàng số cần có sự tham gia, phối hợp tích cực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan không chỉ là ngành ngân hàng", ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định, chuyển đổi số đã và đang là một xu thế không thể cưỡng lại trong ngành tài chính-ngân hàng. Nhận thức được xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ thời gian qua, Vietcombank đã liên tục nâng cấp đầu tư các nền tảng hạ tầng công nghệ mới cho chuyển đổi số, nâng cấp các ứng dụng trên nền tảng số đa kênh hợp nhất và liên tục cải tiến, nâng cấp các tính năng trên mobile banking để mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng giao dịch trực tuyến.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Ngân hàng tài chính là một trong ngành ưu tiên, ngành trọng tâm và tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. Ảnh:VGP |
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có xác định là ngân hàng-tài chính là một trong ngành ưu tiên, ngành trọng tâm và tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.
Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là phát triển kinh tế số, xây dựng các đô thị thông minh, xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số…Như vậy để xây dựng và phát triển kinh tế số, thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng, đó là ngành ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân. Đây là ngành phải tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đức Hiển đánh giá, thời gian qua ngành ngân hàng đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình chuyển đổi số, trong đó có sự tích cực từ ngân hàng thương mại, cũng như là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.
Tuy nhiên thực tiễn đặt ra là để thúc đẩy chuyển đổi số đạt được mục tiêu đề ra, không chỉ tập trung cải cách trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua, mà nhiều vấn đề cần hoàn thiện chính sách cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh.
“Cần tăng cường hợp tác cùng phát triển giữa các ngân hàng thương mại với các công ty fintech và các doanh nghiệp công nghệ lớn. Đồng thời cũng đặt ra các khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Giao dịch điện tử, cũng như các khuôn khổ pháp luật khác để thúc đẩy cho phát triển ngân hàng thông minh”, ông Nguyễn Đức Hiển lưu ý.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt xu hướng trong cạnh tranh, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của VPBank khẳng định, thói quen và hoạt động tài chính của khách hàng đang biến đổi từng ngày, vì vậy các ngân hàng sẽ ngày càng phải thông minh hơn.
Sự thay đổi trong hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng được phản ánh rõ qua kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen. Theo đó, tỉ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý IV/2018 lần lượt là 22% và 28%. Gần 3 năm sau, quý III/2021, tỉ lệ này đã tăng lên 68% và 75%.
Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cho thấy, gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi dịch được kiểm soát.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng lượng giao dịch số trên các kênh của VPBank đã chiếm 98%, thoả mãn thói quen mới thích tự phục vụ, tự trải nghiệm của người dùng. Tỉ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh…
Lãnh đạo VPBank nhận định, người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn, do đó các ngân hàng cũng phải thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân cũng cho rằng, dịch vụ ngân hàng tương tác đặt khách hàng là trung tâm sẽ thay đổi tư duy của ngân hàng trong các hoạt động truyền thống: “Việc lấy khách hàng làm trung tâm rất quan trọng khi các ngân hàng bước vào cuộc đua đầu tư cho công nghệ và nhân lực để phát triển hệ sinh thái tiện ích số nhằm đón đầu những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng”.
Huy Thắng