Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về phương án tổ chức khai thác dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất phương án tổ chức giao thông dự án giai đoạn phân kỳ khai thác phù hợp với quy mô mặt cắt ngang bề rộng nền đường 12 m và bề rộng nền đường 23 m, có dải dừng xe khẩn cấp.
Trong giai đoạn khai thác, chỉ cho phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép lưu thông, trừ các loại phương tiện giao thông theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ (người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).
Các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ nhỏ hơn 70 km/h, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông trên QL1 và các tuyến đường bộ khác.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát các quy định liên quan để triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo tuân thủ theo quy định và thực hiện thẩm định an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, ngoài tuyến chính dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã hoàn thành từ ngày 31/11 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, hiện 3/5 nút giao toàn dự án cơ bản xong. Các đơn vị tập trung xử lý dứt điểm các hạng mục phụ trợ, dự kiến hoàn thành vào ngày 25/12.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang tập trung tối đa xử lý dứt điểm các hạng mục còn lại, hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch. Dự kiến ngày 26 - 27/12 tới, Hội đồng kiểm tra nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra hiện trường và tổ chức họp tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để thông qua kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Trước đó, tại buổi kiểm tra ngày 21/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tập trung tối đa để hoàn thiện, xử lý dứt điểm các hạng mục phụ trợ còn lại của dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn, đảm bảo khánh thành vào cuối tháng 12/2022.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, chỉ đạo xử lý rốt ráo các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, độ tĩnh không lưới điện. Trong đó, trước 31/12 xử lý xong 3 vị trí vướng mắc tĩnh không đường điện cắt qua cao tốc này, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án.
Theo Bộ trưởng, đây là vướng mắc hạ tầng kỹ thuật, không phải vấn đề lớn và được xử lý từ hơn 2 năm nay, thuộc tiểu dự án GPMB do tỉnh là chủ đầu tư nên tỉnh cần tập trung xử lý dứt điểm, đảm bảo các công tác hoàn thành đồng bộ dự án. Thừa Thiên Huế, Quảng Trị là các địa phương được thụ hưởng trực tiếp công trình nên việc quản lý, khai thác phải đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất.
Ngay sau khi khánh thành cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã phát động thi công xuyên Tết trên các công trình cao tốc, trong đó có cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (cuối tuyến Vạn Ninh - Cam Lộ giao với Quốc lộ 9).
Theo Bộ trưởng, rút kinh nghiệm từ vướng mắc hạ tầng kỹ thuật như dự án Cam Lộ - La Sơn, công tác GPMB triển khai đồng bộ, ngay từ đầu xử lý rốt ráo các vướng mắc hạ tầng kỹ thuật. Các khu tái định cư cho các hộ dân diện di dời, GPMB cao tốc cần đảm bảo hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Người dân được hưởng lợi tốt hơn từ tái định cư...
Đại diện UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đang rốt ráo triển khai công tác GPMB, bàn giao mặt bằng khu vực cuối tuyến cho các đơn vị thi công san lấp, tạo mặt bằng tổ chức khởi công dự án. Đến cuối tháng 12/2022, tỉnh Quảng Trị sẽ bàn giao hơn 70% mặt bằng đoạn tuyến dự án qua Quảng Trị (32,54 km) đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT.
Phan Trang