Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (Dự án).
Dự án nhằm xây dựng Cảng HKQT Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển HKQT của khu vực phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Việc đầu tư đường cất hạ cánh (CHC) số 2 và san nền khu vực nhà ga T3 còn nhằm nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường khu bay, đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1.
Cảng HKQT Long Thành là sân bay quan trọng của quốc gia, có vai trò vận chuyển hàng không quốc tế chính của khu vực phía Nam. Giai đoạn 1 được xây dựng với các tiền đề và định hướng chiến lược để có thể trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực trong thời gian tương lai không xa.
Cảng cũng sẽ là cơ sở trọng yếu của đất nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, là căn cứ dự bị chiến lược của lực lượng phòng không – không quân trong công tác bảo vệ vùng trời, biển đảo phía Nam của Tổ quốc.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 đang được xây dựng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026. Quy mô đầu tư gồm 1 đường CHC, 1 nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ khác đồng bộ đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Công suất khai thác trên là tương tự một số cảng hàng không trong nước như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
Ngoài các yêu cầu về năng lực khai thác, các cảng hàng không này cần đảm bảo có thêm đường CHC để tránh toàn bộ sân bay bị ảnh hưởng đóng cửa trong trường hợp xảy ra sự cố máy bay, bảo trì hoặc sửa chữa đường CHC, xử lý sự cố thiên tai.
Trên cơ sở phương án phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, sản lượng hành khách quốc tế khai thác tại sân bay Long Thành chiếm hơn 80% tổng sản lượng hành khách quốc tế của cả hai cảng hàng không.
Vì vậy, ACV cho rằng việc xem xét xây dựng đường CHC số 2 Cảng HKQT Long Thành hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, đảm bảo an toàn trong khai thác và khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1, kết hợp đáp ứng các hoạt động quân sự khi có nhu cầu.
Việc nghiên cứu xây dựng đường CHC số 2 thời điểm này sẽ có thuận lợi, có thể tận dụng các cơ sở hạ tầng đang phục vụ thi công giai đoạn 1. Việc xây dựng thực hiện trong thời gian này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động khi đưa Cảng giai đoạn 1 vào khai thác.
Theo phân tích, do đặc thù tính chất đất đỏ, bụi sét mịn của khu vực Long Thành nên quá trình thi công xây dựng đường CHC số 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 sau khi Cảng đi vào hoạt động sẽ gây hiện tượng phát tán bụi mịn, ảnh hưởng công tác vận hành của sân bay, gây ô nhiễm môi trường và có thể gây nguy hiểm đến hoạt động của tàu bay.
Bụi đất có thể làm giảm tầm nhìn và làm giảm độ ma sát giữa bánh xe tàu bay và bề mặt đường băng. Từ đó, tăng nguy cơ tai nạn khi hạ cánh và cất cánh. Đồng thời, có thể gây hỏng hóc và ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ máy bay.
"Nếu triển khai ở giai đoạn tiếp theo, sau khi Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác sử dụng sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về bụi, tiếng ồn trong quá trình thi công, gây ảnh hưởng đến an toàn bay, hoạt động vận hành khai thác tại khu vực Nhà ga hành khách T1", ACV nhận định.
Dự án sẽ xây dựng thêm 1 đường CHC song song gần và hệ thống đường lăn hoàn chỉnh theo quy hoạch (ngoại trừ đường lăn vòng ở hai đầu theo quy hoạch đã được phê duyệt).
Cụ thể, xây dựng đường CHC dài 4.000m, đường lăn song song, hệ thống các đường nối. Cùng đó, xây dựng hệ thống đèn tín hiệu, biển báo đường CHC, đường lăn, hệ thống trang thiết bị quản lý bay và các công trình khác đồng bộ đảm bảo khai thác. Diện tích khu vực san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 khoảng 181 ha.
Dự kiến, giai đoạn chuẩn bị dự án khoảng 12 tháng. Dự án sẽ được thực hiện thông qua việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi với thời gian dự kiến từ quý III/2024 đến quý II/2025. Giai đoạn thực hiện dự án khoảng 18 tháng.
Trong đó, việc tổ chức thi công xây dựng công trình khoảng 12 tháng với thời gian dự kiến từ quý II/2025 đến hết quý IV/2026. Giai đoạn kết thúc xây dựng và đưa công trình vào khai thác sử dụng, thu phí hoàn vốn, thời gian dự kiến từ quý I/2027.
Theo nghiên cứu, khu vực xây dựng đường CHC số 2 nằm hoàn toàn trong phạm vi đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 là 1810 ha đã được giải phóng mặt bằng. ACV đã nhận bàn giao triển khai dự án và diện tích này đã hoàn thành thi công san nền, thoát nước giai đoạn 1.
Khu vực san nền Nhà ga hành khách T3 được thực hiện trên khu đất giai đoạn sau của dự án xây dựng sân bay Long Thành với diện tích khoảng 181 ha đã được giải phóng mặt bằng và UBND tỉnh Đồng Nai đang quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất.
Khối lượng đất đào thừa từ công tác san nền khu vực nhà ga T3 dự kiến khoảng 20 triệu m3 sẽ được điều phối ra khu vực đất dự trữ, tiếp giáp với khu trữ đất 722 ha (khu vực nền đắp của giai đoạn sau) ở phía Đông Nam sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.411,7 tỷ đồng. Trong đó, việc xây dựng đường CHC số 2 khoảng 3.455,6 tỷ đồng và việc san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 khoảng 1.956,1 tỷ đồng.
Đối với dự án thành phần 1, ACV sẽ huy động từ nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn hợp pháp khác để thực hiện đầu tư dự án. Ở dự án thành phần 2, ACV đề xuất kiến nghị sử dụng vốn đầu tư công. Sản lượng chuyến bay CHC căn cứ số liệu dự báo vận chuyển hành khách trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Phan Trang