In bài viết

Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn: Cần sự phối hợp đồng bộ

(Chinhphu.vn) - Tại hội nghị công bố “Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ NN&PTNT phối hợp với UNICEP tại Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, trong đó xác định thực hiện Chiến lược cần tiếp cận theo cách đa chiều với sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành.

22/12/2021 16:50
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

“Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Việt Nam đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước và vệ sinh nông thôn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện Chiến lược này, việc đầu tư phải đủ và triển khai có chọn lọc theo đặc thù của từng vùng miền, địa phương; phải có cam kết mạnh mẽ để “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời phải tiếp cận theo hướng đa chiều với sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, sau 20 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, về tổng thể, độ bao phủ cấp nước sạch ngày càng được mở rộng ở địa bàn nông thôn, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước được củng cố từ Trung ương đến địa phương… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục như sự chênh lệch khá lớn về tỉ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, các địa phương; số lượng công trình hoạt động kém hiệu quả vẫn còn cao…

Bên cạnh đó, tuy tỉ lệ người dân được cấp nước hợp vệ sinh tương đối cao nhưng mới có khoảng 51% người dân nông thôn được cấp nước sạch đạt quy chuẩn. Nguồn lực đầu tư hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước có hạn và khó đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho cấp nước nông thôn ngày càng cao.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, để thực hiện thành công “Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được đây là trách nhiệm của mỗi người, là cốt lõi để đất nước phát triển bền vững; đồng thời, hoàn thiện thể chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với các bộ, ngành liên quan nhằm thu hút việc đầu tư xã hội vào lĩnh vực này hiệu quả hơn.

Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan của Chính phủ, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển để triển khai Chiến lược. Trong đó, tập trung vào những nhóm dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, phụ nữ và các gia đình sinh sống ở vùng sâu, vùng xa để mọi người được tiếp cận với hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh được quản lý, vận hành an toàn, bền vững.

Theo bà Rana Flowers, việc cấp nước sạch và vệ sinh cần được lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp tỉnh và của các ngành. Điều đó đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, sự điều phối hiệu quả và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Thực hiện tốt Chiến lược này, cuộc sống của hàng chục triệu người dân Việt Nam sẽ được cải thiện.

Đỗ Hương