In bài viết

'Câu chuyện thể chế và con người' trong giải ngân đầu tư công

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công.

27/04/2023 13:43
Câu chuyện thể chế và con người - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Giao việc trực tiếp cho Ban quản lý dự án tại địa phương

Năm 2023, Bộ NN&PTNT được giao 9.852 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng) và 1.614 tỷ đồng đề nghị kéo dài từ năm 2022 sang 2023. Bộ NN&PTNT đã phân bổ 98% kế hoạch vốn năm 2023 tại văn bản số 8946/BNN-KH ngày 30/12/2022 về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023.

Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, đến 30/4/2023, số tiền giải ngân đạt 2.273 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 23,1% (trong đó vốn trong nước 2.053 tỷ đồng đạt 25,5%; vốn nước ngoài 220 tỷ đồng đạt 12,2%).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, không tính nguồn vốn cho các địa phương, thì cùng với Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT đang thực hiện giải ngân từ 70-80% lượng vốn đầu tư trung hạn của cả nước. Trong những năm qua việc giải ngân của Bộ NN&PTNT luôn nhanh chóng vì ở tất cả các dự án, Bộ linh động giao chủ đầu tư cho các Ban Quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm trực tiếp tại địa phương để triển khai, thực hiện.

"Điều này phải lý giải kỹ vì không phải Bộ NN&PTNT giải ngân nhanh theo cách nhiều người hiểu là chỉ việc phân bổ vốn về địa phương là xong. Chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, kiểm tra giải ngân… đều là Bộ làm chứ không phải của địa phương. Vốn có thể được giao về các sở hoặc các Ban Quản lý dự án tại địa phương và Bộ vẫn là cơ quan phải chịu trách nhiệm về đầu tư. Theo luật thì các Ban Quản lý hoàn toàn có thẩm quyền quyết định công việc tại hiện trường nên công việc trôi được nhanh, chỉ những gì quá vướng mắc mới phải báo cáo lại để lãnh đạo Bộ trực tiếp giải quyết", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.

Theo đó, Bộ NN&PTNT tập trung thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra giám sát các công trình rất chặt chẽ trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ông Hiệp chia sẻ thêm: "Dự án của Bộ NN&PTNT thường ở vùng sâu, vùng xa, giải phóng mặt bằng khó khăn, phức tạp. Nhiều việc tưởng nhỏ bé nhưng hóa ra không phải. Ví dụ, làm một cái kênh mương nhỏ nhưng lại ảnh hưởng toàn bộ hệ thống kênh mương dài mấy trăm cây số, liên quan nhiều địa phương khác. Kể cả quy mô dự án cũng vậy, có những dự án chỉ khoảng 50 tỷ đồng nhưng có những dự án thủy lợi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng… Vì thế tất cả đều phải nghiên cứu tỷ mỉ mới đầu tư. Bởi đầu tư công là những công trình "không hối tiếc". Chính vì thế phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt và ngược lại".

'Thể chế đang mở hay đóng?'

Đây là câu hỏi Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặt ra khi nói về câu chuyện vốn đầu tư công và ông chia sẻ "với kinh nghiệm cá nhân, ông khẳng định thể chế đang ngày càng mở".

Ví dụ rõ nhất có thể thấy là hiện nay, các nghị quyết của Chính phủ để giải quyết những việc rất cụ thể, thậm chí nghị quyết của Quốc hội cũng đã có hướng mở để giải quyết nhiều dự án cụ thể.

"Rõ ràng thể chế không hề đóng nhưng câu chuyện vướng mắc lại nằm ở mặt khác của thể chế. Trước đây có một số câu chuyện về việc từ thông tư, nghị định đến luật có nhiều nội dung, có nhiều cách hiểu khác nhau. Với những trường hợp này, thường thì việc hiểu văn bản sẽ theo hướng để xử lý nhanh", ông Hiệp nhìn nhận.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu băn khoăn cũng văn bản đó tại sao trước đây xử lý nhanh gọn mà bây giờ lại chậm? Cùng một vấn đề nhưng nay lại đi theo hướng cần bài bản, chi tiết, cẩn trọng, đồng thời phải trích dẫn thêm điều luật ở những vấn đề khác nữa để dẫn đến cách hiểu của chính nội dung đó. Vì thế tất cả đang làm chậm lại.

Về những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ KH&ĐT tập hợp đầy đủ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp có mấy điều cần sửa đó là thẩm quyền phê duyệt dự án và quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

"Ví dụ, chuyển đổi 20 ha đất lúa hay 1 m2 đất rừng phòng hộ… cũng trình Thủ tướng phê duyệt là không cần thiết. Những nội dung này hoàn toàn có thể ủy quyền cho địa phương phê duyệt dự án", ông Hiệp nói.

Còn về quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất…, ông Hiệp cho rằng đây là những vấn đề vướng nhiều nhất trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Hiệp nhấn mạnh: "Ba tháng gần đây, tốc độ phê duyệt của Chính phủ rất nhanh, tác động rất tốt gỡ khó đầu tư công nhưng chưa đủ. Vấn đề là quy hoạch địa phương, quy hoạch cấp dưới được phép điều chỉnh thì phải mạnh dạn điều chỉnh. Nhưng địa phương làm việc này rất chậm".

Câu chuyện thể chế và con người - Ảnh 2.

Khu tái định cư Đồng Mít, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã xây dựng và phát triển do ngành nông nghiệp "dám nghĩ, dám làm" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

'Không ký những văn bản chung chung, không có thời hạn'

Ngoài vấn đề thể chế, Thứ trưởng Hiệp cho rằng yếu tố then chốt để thực hiện tốt, thực hiện nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là cán bộ, là những người thực thi công vụ.

Với kinh nghiệm quản lý nhiều năm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đa số công việc "chỉ cần cán bộ làm đúng, hết trách nhiệm, đúng quy định là đã khác rồi".

Thứ trưởng Hiệp cũng nêu băn khoăn: "Điều này nói ra khá phức tạp vì có thể nhiều người sẽ cho rằng trước đây cán bộ được đối xử tốt hơn thì mới làm tốt hơn. Nhưng điều này là vi phạm công vụ. Chính vì vậy, câu chuyện này cần phải thẳng thắn với nhau. Thẳng thắn nhìn nhận với xu thế phòng chống tham nhũng hiện nay, cán bộ có tâm lý co lại không?".

Ông Hiệp công nhận: "Đúng là hiện nay có tâm lý co lại cho an toàn, nhưng nếu co lại cho an toàn rồi không làm thì nên nghỉ. Trong giao ban của Bộ về xây dựng cơ bản, tôi vẫn nói cần làm nhanh nhưng không ẩu, không sai pháp luật. Yêu cầu làm đúng nhưng phải có thời hạn để giải quyết. Tất cả văn bản trả lời chung chung, tôi đều không ký. Các nội dung trình lên giải quyết và tham mưu phải rõ ràng là 'có hay không' chứ không có chuyện trả lời chung chung".

Ông Hiệp khẳng định: "Nếu làm đúng, động cơ trong sáng, không nhận tiền doanh nghiệp để làm thì chắc chắn không có chuyện ai đó vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự. Điều này tôi cũng nói trước các hội nghị về giải ngân đầu tư công của ngành. Khẳng định như vậy cũng chính là làm công tác tư tưởng cho anh em vững vàng thực hiện nhiệm vụ"./.

Đỗ Hương