![]() |
Anh Nguyễn Trần Hiệp thiệu sản phẩm của HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng, nơi anh và 18 thanh niên say mê nghề mộc. Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng |
“Thất bại là mẹ thành công”
Nguyễn Trần Hiệp không phải con nhà nòi trong nghề làm gỗ mỹ nghệ (bố là giáo viên, mẹ làm ruộng) nhưng anh đến với nghề mộc mỹ nghệ do niềm đam mê từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường.
Tốt nghiệp phổ thông (năm 1990), anh thi đỗ vào một trường cao đẳng ở Hà Nội nhưng anh đã dừng việc học để theo đuổi niềm đam mê của mình. Cơ duyên đã đưa anh đến với một nghệ nhân làm nghề gỗ mỹ nghệ nổi tiếng ở Phù Khê.
Suốt 5 năm trời, anh say sưa học nghề bên những khúc ngỗ. Đôi tay của anh dần thành thục với cưa đục. Kết quả là những khúc gỗ thô sơ trở nên có hồn qua bàn tay khéo léo của anh. Khi tay nghề khá vững, anh về nhà mở xưởng mộc chỉ với vài ba triệu đồng.
Những ngày đầu khởi nghiệp với anh thật không dễ dàng. Chưa nhiều kinh nghiệm thương trường nên anh làm các sản phẩm theo ngẫu hứng. Hậu quả là hàng ế, khiến anh nợ nần chồng chất.
“Có năm, đến ngày 28 Tết, tôi ngồi ở gần cầu Chương Dương với đống hàng cả trăm triệu đồng mà không bán được. Nhìn dòng người hối hả về quê ăn Tết mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi phải bán chiếc xe máy duy nhất của mình để trả tiền công cho anh em trong xưởng”, anh Hiệp nhớ lại ngày tháng khó khăn trong cuộc đời mình.
Sau thất bại này, anh đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng, nhất là tập trung vào khách du lịch nước ngoài. Bước chuyển đó đã làm cho anh có chỗ đứng trên thị trường.
Đến nay nhiều sản phẩm tranh, tượng gỗ của anh không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Mỗi năm, HTX của anh đạt doanh thu khoảng 7 tỉ đồng.
Đồng hành với bạn trẻ
Anh Hiệp không chỉ là người thợ lão luyện trong nghề làm gỗ mỹ nghệ mà còn là một cán bộ Đoàn giàu tâm huyết. Nhiều năm làm Bí thư Đoàn cơ sở, anh luôn trăn trở với việc giúp thanh niên lập nghiệp.
“Sinh ra từ làng quê nên tôi hiểu được sự thiệt thòi của các bạn thanh niên ở nông thôn trong vấn đề lập nghiệp. Bởi vậy, tôi luôn sát cánh bên các bạn trẻ trên chặng đường khởi nghiệp”, anh Hiệp chia sẻ.
Trong quá trình dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên, anh Hiệp không đơn độc.
Từ năm 2010, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã hỗ trợ anh vay 400 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Nhờ vậy, anh có thêm điều kiện để mở rộng quy mô dạy nghề mộc cho thanh niên.
Việc dạy nghề của anh không bó hẹp ở địa phương mà còn phát triển sang một số huyện trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh. Các bạn trẻ yêu thích nghề mộc ở huyện Gia Bình, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Đông Anh (Hà Nội) đã được đào tạo nghề bài bản. Trong số họ, 32 người có việc làm hoặc mở cơ sở sản xuất gỗ riêng.
Riêng HTX của anh tạo việc làm cho hơn 40 lao động, trong đó có 30 thanh niên với mức lương từ 4- 9 triệu đồng/tháng.
Nguyễn Trần Hiệp được tặng danh hiệu “Nghệ nhân quốc gia” vào năm 2011 khi mới 37 tuổi. Anh cũng đã vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Đoàn.
Theo chị Dương Hướng Liên, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nghiệp và đô thị, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, ý chí vượt nghèo, vượt khó để theo đuổi đam mê của anh Hiệp đã truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp cho nhiều thanh niên ở trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Thắng