In bài viết

Câu hỏi đắng lòng sau vụ ‘nước mắm arsen’

Cứ “Giàu: buôn không lại nước ngoài/Cùng nghề nước Việt chơi mày chết tươi” thế này thì nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ mãi lận đận trên sân nhà, mơ chi tới ngày ra nước ngoài!

25/10/2016 15:18
Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm ngon Phan Thiết gồm cá cơm và muối hạt trắng.
Vụ nước mắm chứa arsen sắp đi đến hồi kết. Các cơ quan hữu quan sẽ đưa ra kết luận ai vi phạm và cách thức xử lý.

Biết vậy, nhưng vẫn đọng lại câu hỏi đắng lòng: Tại sao nhiều nước xung quanh Việt Nam họ chung lưng để đưa những món ẩm thực truyền thống của mình ra thế giới, còn trong vụ nước mắm chứa arsen, người ta muốn "đẩy đuổi" nước mắm truyền thống để lấy thị phần của nó trên sân nhà?

Kim chi của Hàn Quốc là một ví dụ. Hơn 20 năm trước, thế giới chưa nhiều người biết món quốc hồn quốc túy của nước này. Thậm chí có những cảnh báo ăn nhiều kim chi sẽ hại thận, huyết áp vì nó mặn và dễ gây ung thư ruột vì chứa chất nitric cao.

Ấy nhưng Hàn Quốc đã làm một cú PR ngoạn mục để đưa kim chi đi khắp năm châu.

Cách đây 15 năm, Hàn Quốc bắt đầu tổ chức lễ hội “Muối kim chi san sẻ yêu thương” để rồi cách đây ba năm, UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hàng loạt cơ quan báo chí Hàn Quốc cùng đưa tin mỗi khi diễn ra lễ hội này.

Tiếp đó là những cuộc khảo sát trong và ngoài nước về mức độ nhận biết và ăn kim chi. Rồi những chiến dịch quảng bá như dự án “Kimchi Bus” của các sinh viên đi qua Nga, châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản... Câu chuyện phát triển kim chi không hề có ai cắn xé ai để giành phần của nhau...

Cuối cùng kim chi đã leo vào tốp những món ăn được tìm đến trên thế giới. Họ làm hay đến mức ngày nay các bạn lên Google tiếng Việt tìm cụm từ tác hại của kim chi sẽ không có kết quả đáng tin cậy nào.

Trong khi đó, chẳng những cái ngon, cái lành của nước mắm truyền thống Việt Nam chưa được giới thiệu cho nhiều người trên thế giới tỏ tường mà nó còn bị chụp cái mũ ỡm ờ là “độ đạm càng cao, arsen càng nhiều”.

Nước mắm không chỉ được ăn sống, pha chế làm nước chấm, mà còn được sử dụng nêm nếm trong hầu hết các món ăn ngon của Việt Nam như phở, bún chả, bánh mì, giò chả, bún bò, bánh xèo...

Những món ăn này được các tổ chức, báo chí quốc tế xếp vào loại món ngon thế giới. Cho nên cha đẻ của marketing hiện đại là ông Philip Kotler đã nói: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”.

Thật tiếc, thay vì hợp sức đưa nhà bếp (trong đó có những giọt nước mắm quốc hồn quốc túy) ra ngoài bờ cõi nước Việt, thì ai đó chỉ muốn thôn tính thị phần nước mắm truyền thống trong nước về tay mình.

Họ chưa thành công nhưng cuộc chiến một phía này vô tình tạo cơ hội vàng cho người Thái Lan đưa thêm nước mắm của họ vào các siêu thị của người Thái tại Việt Nam.

Cứ “Giàu: buôn không lại nước ngoài/Cùng nghề nước Việt chơi mày chết tươi” thế này thì nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ mãi lận đận trên sân nhà, mơ chi tới ngày ra nước ngoài!

Tăng Quỳnh

Theo báo Tuổi Trẻ

nước*Tiêu đề do tòa soạn đặt