In bài viết

Cây “nhãn tổ” và thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành

(Chinhphu.vn) - Một cây nhãn cổ thụ đã 110 năm tuổi, gắn bó với một gia đình đã gần 5 thế hệ, tới nay vẫn phát triển xanh tốt, không những thế nó còn được phát triển thành thương hiệu “nhãn chín muộn Đại Thành” nhân giống rộng khắp các vùng.

26/11/2011 07:39

Cây “nhãn tổ” được nhân giống, giúp nhiều hộ gia đình làm giàu - Ảnh Chinhphu.vn

Cây nhãn cổ thụ cả trăm năm tuổi, mà người dân quen gọi là cây “nhãn tổ”,  được gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn (thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, Huyện Quốc Oai, Hà Nội) chăm sóc và bảo vệ cẩn thận từ nhiều đời nay.

Ông Đoàn cho biết, cây “nhãn tổ” này đã có từ thời ông nội của của ông, tức là cụ Nguyễn Văn Diếp. Biết đây là giống nhãn quý, cụ Diếp hết lòng chăm sóc, gìn giữ như một bảo vật của gia đình. Ngôi nhà đang ở cùng gốc nhãn tổ nằm ngay cạnh con đê cũ của làng, nhiều lần mưa bão, bà con, chính quyền khuyên nên chặt bỏ nhưng cụ Diếp vẫn kiên quyết giữ lại, chỉ chặt bớt cành lá và gia cố thêm cho cây khỏi đổ.

Trải qua bao nhiêu năm với nhiều đổi thay của lịch sử, cây nhãn vẫn rất xanh tốt, điều đó có thể gọi là một duyên may với gia đình ông Đoàn. Đến nay cây nhãn cũng đã hơn 110 năm tuổi và vẫn được các cháu chắt của cụ Diếp chăm nom. Hàng năm vẫn cho thu hoạch 3 - 4 tạ quả và được nhân giống đại trà, làm nên thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành.

Theo bà Trần Thị Cước (78 tuổi), mẹ của ông Đoàn cho hay: Những cây nhãn con đầu tiên được chiết từ cây nhãn tổ đến nay đã hơn 30 tuổi. Vì trong nhà có người đi Lâm Đồng làm kinh tế mới, nên chiết đi vài chục cây làm giống, trong đó có 1 cây bị vỡ bầu nên để lại cho một người bác họ cùng làng. Đến nay nó đã rất xanh tốt chỉ cách cây tổ chừng vài trăm mét, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với những cây cùng lứa ở Lâm Đồng. Do thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng miền Bắc hơn so với trong Tây Nguyên.

Cũng theo ông Đoàn cho hay: do là cây nhãn quý nên gia đình rất giữ gìn vì sợ ảnh hưởng tới sức sống của cây nên rất hạn chế việc chiết ghép. Cho tới thời ông Đoàn thì mới mở rộng việc nhân giống chiết ghép cây nhãn tổ, nhằm phát huy thế mạnh, phẩm chất riêng biệt của giống nhãn chín muộn. Mở rộng thêm diện tích trồng nhãn, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời phổ biến giống, kỹ thuật trồng nhãn muộn cho toàn xã và các vùng lân cận. Những cây lứa thứ hai được chiết cũng khoảng 20 tuổi, ngoài ra chủ yếu là ghép mắt, bởi chiết thì không thể nhân giống nhanh được. Do giống nhãn thường không có năng suất cao, đều được cắt ngọn để ghép mắt cây nhãn tổ cho hiệu quả kinh tế cao hơn vì vậy có những cây ghép đã hơn 70 – 80 tuổi.

Thương hiệu nhãn muộn Đại Thành

Quả nhãn muộn  được thu hoạch vào từ 10/8 đến 20/9 dương lịch, muộn hơn giống nhãn chính vụ 1 tháng nên giá thành nhãn muộn thường cao hơn. Khi nhãn muộn chín, trái trông hơi méo, cùi dày, hạt màu son hơi hồng, ăn ngọt, thơm, rất đặc trưng của nhãn muộn Đại Thành mà người ăn có thể cảm nhận được khi so sánh với các loại nhãn khác.

Theo kinh nghiệm của ông Đoàn, “nước nhãn muộn Đại Thành thường có 3 mức và được phát hiện là nhờ vào con Dơi. Khi quả nhãn chín đạt đỉnh của nước một thì con Dơi sẽ về ăn, ăn độ 2 - 3 ngày khi thấy nhạt nước sẽ đi tìm cây khác. Đến đỉnh của nước hai, con Dơi lại về ăn 2 – 3 ngày. Đến đỉnh của nước thứ 3 khi thấy Dơi về ăn là thu hoạch tốt nhất. Khi đó quả nhãn chín đều, mọng nước, thơm ngon, còn nếu để quá nước 3, nước nhãn sẽ nhạt dần và bị thối”.

Hiện nay, cây nhãn quý của gia đình ông Đoàn đã được phát triển mạnh mẽ, nhân giống khắp nơi trong xã mà người con trai thứ của ông là anh Nguyễn Văn Thành có công hơn cả trong việc tạo dựng thương hiệu nhãn muộn Đại Thành trở nên nổi tiếng.

Cho đến nay trang trại nhãn của anh Thành có diện tích hơn 7000m2 với gần 200 gốc nhãn muộn đã cho thu hoạch, nhiều gốc nhãn ghép từ cây nhãn tổ cũng đang chuẩn bị cho quả.

Hàng năm anh thu lợi nhuận từ việc bán nhãn quả từ 250 – 300 triệu đồng. Ngoài ra anh còn nhân giống nhãn muộn đại trà, nhờ vào kỹ thuật ghép mắt cây nhãn tổ. Cây con gieo hạt xong từ 6 – 8 tháng tuổi, có thể lấy mắt ghép từ cây nhãn tổ để tiến hành ghép. Những cây trong bao sau khi chăm sóc từ 4 – 6 tháng có thể xuất vườn. Còn những cây khác có thể nuôi lớn tại vườn, sau 1 năm có thể cho thu hoạch quả. Chất lượng cây con giống luôn đạt từ 90% – 98% phẩm chất của cây nhãn tổ, sau khi trồng 6 – 8 tháng có thể cho thu hoạch lứa đầu.

Hàng năm mang về cho anh thu nhập từ việc bán cây giống trên 300 triệu đồng. Năm 2008 anh Thành đã đăng ký thương hiệu “nhãn chín muộn Đại Thành” đến nay đã được nhân rộng ở nhiều vùng miền.

Đến nay, chỉ riêng xã Đại Thành đã có gần 600 hộ hộ trồng nhãn, chiếm trên 61% số hộ trong xã. Cả Đại Thành giờ đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao đời sống nhân dân, tăng thu nhập và làm giàu bằng cây nhãn muộn. Ngoài diện tích hiện có xã đã quy hoạch thêm một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nhãn chín muộn. Từ cây “nhãn tổ” nay đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân Đại Thành vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sao Chi