In bài viết

Cây trồng công nghệ sinh học đóng góp cho phát triển nông nghiệp

(Chinhphu.vn) - Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam” tổ chức chiều 7/4. Theo đó, tại Việt Nam, những cây trồng dựa trên công nghệ sinh học mới đã có nhiều đóng góp cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất ở các địa phương.

07/04/2021 18:27
Năng suất thu hoạch được của các giống ngô CNSH với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2% tới 30% - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hiệu quả từ ngô công nghệ sinh học

Tại Việt Nam, thành quả ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) được thể hiện chủ yếu trong việc mở rộng diện tích các giống ngô CNSH.

Thống kê cho thấy, tổng diện tích ngô CNSH canh tác tại Việt Nam cho cả giai đoạn 2015-2019 là 225.000 ha. Riêng năm 2019, diện tích canh tác ngô CNSH là 92.000 ha, chiếm 10% tổng diện tích ngô cả nước. Kể từ năm 2014, khi Việt Nam chính thức chấp nhận ứng dụng ngô chuyển đổi gene (GMO) sản xuất đại trà sau khi đã tiến hành các bước đánh giá an toàn sinh học, an toàn làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, khảo nghiệm đánh giá tính tương đồng và các giải pháp quản lý tính kháng, tính đến hết tháng 6/2017, Bộ NN&PTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gene, trong đó có 10 giống nền và các giống này đã được công nhận ở Việt Nam.

Đáng chú ý, năng suất thu hoạch được của các giống ngô CNSH với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2% tới 30%. Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô CNSH cũng gia tăng với mức từ 4,5-7,6 triệu đồng/ha. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô CNSH giảm đáng kể, với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam” do Hiệp hội Thương mại giống cây trồng (VSTA), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam  và Tổ chức Quốc tế và Ứng dụng và tiếp thu công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) phối hợp tổ chức chiều 7/4, nhiều ý kiến cho biết, hiện vẫn còn những quan điểm và cách hiểu không đúng về cây trồng CNSH.

Toàn cảnh hội thảo chiều 7/4 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tăng thu nhập cho nông dân, giảm thuốc bảo vệ thực vật

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho biết: “Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, với lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chứng kiến sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là CNSH với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gene, công nghệ vi sinh… Nhiều giống cây trồng được tạo ra bằng công nghệ sinh học đã có mặt ở Việt Nam, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật”.

Theo báo cáo của tổ chức ISAAA, với việc có thêm 3 quốc gia châu Phi, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng CNSH đã tăng lên 29 vào năm 2019. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng CNSH lớn nhất là Mỹ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Ước tính, khoảng 1,95 tỷ người, tương đương với 26% dân số thế giới, được hưởng lợi từ CNSH vào năm 2019. 

Tiến sĩ Rhodora R. Aldemita, Giám đốc khu vực Đông Nam Á kiêm Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về CNSH của ISAAA cho biết thêm: “Năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu hecta cây trồng CNSH được canh tác, góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, tính bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cây CNSH đạt đến 2 con số cùng với Philippines và Colombia”.

Phân tích về các tác động của cây trồng CNSH ở phạm vi toàn cầu, TS. Graham Brookes, Viện PG Economic đã dẫn chứng các số liệu trong nghiên cứu gần nhất phát hành năm 2020: “Tính đến năm 2018, tổng thu nhập gia tăng dành cho nông dân canh tác cây trồng CNSH là 19 tỷ USD. Nông dân, đặc biệt là những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển, thu được lợi ích rõ ràng hơn từ cây trồng CNSH”.

Về những đánh giá khác nhau đối với cây trồng CNSH, TS. Graham Brookes cho rằng, đó là do thông tin được truyền tải không đúng. “Nếu trao đổi với những nông dân đã sử dụng cây trồng CNSH thì sẽ đánh tan những nghi ngờ về cây trồng biến đổi gene”, TS. Graham Brookes nói.

Nhận định về tương lai ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ban hành ngày 24/3/2021 phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất và phát triển số lượng doanh nghệp CNSH trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021-2025. Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung cho việc bắt kịp xu hướng của Việt Nam cùng các nước trên thế giới trong ứng dụng các giống cây trồng thế hệ mới với các tính trạng cải tiến bằng khoa học hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại.”

“Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng các hoạt động tiếp theo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng công nghệ sinh học cũng như giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu ứng dụng cây trồng CNSH vào thực tiễn tại địa phương”, ông Nguyễn Xuân Định nói.

Đỗ Hương