Chuẩn bị tâm lý – Vấn đề quan trọng nhất
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm giáo dục trẻ Hà Đông, Hà Nội: Nhìn chung, trẻ tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập vui chơi giao lưu cùng thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, không ít em tỏ ra hụt hẫng sau thời gian quá dài học trực tuyến và nghỉ Tết.
Vì vậy, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh. Trò chuyện với trẻ về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt, sắp xếp sách vở, góc học tập, những kế hoạch học tập sẽ diễn ra như thế nào.
“Để học sinh trở lại trường an toàn, cần nhất ở ba công đoạn: Ở nhà, trên đường đi và tại trường học. Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng chống dịch khác nhau. Do vậy, trước hết mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường nếu học sinh đi học trực tiếp” - GS, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói.
Hãy cung cấp cho con thông tin đầy đủ, chính xác và dễ hiểu nhất về dịch bệnh, tránh cho con tâm lý hoang mang, lo lắng khi đến trường học trực tiếp.
Cha mẹ cũng cần nói với con, khi được quay trở lại trường học vẫn cần thực hiện tốt các quy tắc phòng dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho bản thân và bạn bè, thầy cô.
Song cha mẹ cũng không nên trầm trọng hóa vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng mà chỉ để trẻ hiểu rằng đó là những kỹ năng, cách thức để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh như việc đeo khẩu trang hay rửa tay thường xuyên…
Nhắc con những điều cần làm ở trường
Sau thời gian dài học trực tuyến để phòng dịch, khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với những khu vực đông người cũng như các vật dụng công cộng. Do đó, cha mẹ cần tăng cường nhắc nhở con biện pháp tự bảo vệ, duy trì các thói quen phòng dịch mọi lúc mọi nơi.
PGS.TS. Bác sĩ Tôn Nữ Vân Anh (Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế) đưa ra lời khuyên: Cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên vì trẻ thường có thói quen cầm nắm đồ vật, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, là con đường xâm nhập của virus vào cơ thể.
Cần nhắc nhở trẻ rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang.
Việc thường xuyên đeo khẩu trang trên đường đi học, trong lớp, vào giờ ra chơi... cần được cha mẹ cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang đúng cách.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ phải chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm hoặc có biểu hiện bệnh đường hô hấp.
Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một trong những biện pháp phòng dịch được các chuyên gia y tế đặc biệt chú trọng, đó là tăng cường thể lực để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo đó, để tăng sức đề kháng, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ về chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh như uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu protein.
Tăng cường thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc trong bữa ăn hàng ngày không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh.
Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.
“Sức đề kháng tốt là then chốt để bảo vệ cơ thể mỗi người khỏi tác động của môi trường và nguy cơ bệnh tật. Cùng với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ lối sống lành mạnh như: Đảm bảo ngủ đủ giấc, đúng giờ, rèn luyện cơ thể thường xuyên, tắm nắng để hấp thụ vitamin D” - PGS.TS Bác sĩ Tôn Nữ Vân Anh nhấn mạnh./.
Theo GD&TĐ