In bài viết

“Châm ngòi” cho cuộc đua mới

(Chinhphu.vn) - So với lần đầu tiên, lần thứ hai công bố Chỉ số cải cách hành chính-PAR Index 2013 đã diễn ra rầm rộ hơn rất nhiều…

07/09/2014 09:50
Có thể nhận ra dụng ý của Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì việc đánh giá và công bố xếp hạng. Việc tổ chức một chương trình công bố hoành tráng với sự tham dự rộng rãi của báo chí không chỉ nhằm việc truyền thông quảng bá đơn thuần.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2014, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2013. Nghị quyết số 19/NQ-CP được Chính phủ ban hành trong tháng 3 cũng đã yêu cầu phải định kỳ báo cáo Thủ tướng và công khai cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân được biết về kết quả đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các bộ ngành, địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ công bố ngày 5/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ hơn về yêu cầu phải công khai kết quả đánh giá này, khi nhắn nhủ đến các bộ ngành, địa phương: Có thi thì có đỗ có trượt, “quan trọng là nhìn thấy mặt yếu của mình để vươn lên cải thiện".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thông qua PAR INDEX, các bộ ngành, tỉnh, thành phố cần có những biện pháp cụ thể để khắc phục những điểm yếu, những lĩnh vực, tiêu chí, thành phần cho điểm thấp qua đánh giá để nâng cao chỉ số cho những năm tiếp theo.

Thẳng thắn mà nói, có thể có bộ ngành, địa phương không muốn công bố rộng rãi kết quả đánh giá về cải cách hành chính, thậm chí không muốn công bố; muốn “đóng cửa bảo nhau”, không để người dân - những người hàng ngày có thể cảm nhận rõ ràng nhất về hiệu quả cải cách - được biết.

Có thể nhiều người muốn tiếp tục sử dụng những cách đánh giá cũ, nặng về định tính, chung chung, với những cụm từ quen thuộc như “được nâng cao”, “có cải thiện”… Và nhìn chung, các cơ quan nhà nước cũng quen với cách đánh giá chỉ khen những nơi làm tốt, “tốt đẹp khoe ra” mà không nhắc gì đến các nơi làm chưa tốt.

Rõ ràng, việc công bố rộng rãi Chỉ số cải cách hành chính sẽ giải quyết được những bất cập trên, dù chỉ số này vẫn cần được hoàn chỉnh để thiết thực, sát thực tế hơn. Việc làm này còn tạo ra động lực mạnh mẽ để các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực, không ngừng nghỉ. Bởi chưa cần nói đến chuyện không nỗ lực, chỉ cần ít nỗ lực hơn các bộ ngành, địa phương khác thì đã có nguy cơ tụt lại phía sau rồi.

Còn nhớ, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khi mới được xây dựng và công bố cũng đã nhận được không ít phản ứng thiếu thiện chí từ các địa phương, mà phổ biến là không chịu thừa nhận kết quả đánh giá. Thừa nhận hoặc không là chuyện của anh, nhưng khi chỉ số này trở thành chuẩn mực đánh giá, không một địa phương nào có thể tự tách mình ra khỏi trào lưu chung.

Chúng ta hay nói đến “bệnh thành tích” từ các cuộc đua. Nhưng không phải cuộc đua nào và không phải lúc nào tâm lý “thích thành tích” cũng đáng phê phán. Quan trọng là kết quả đạt được có thực sự là thành tích, thực sự là cần thiết với người dân, có làm chuyển tình hình kinh tế xã hội hay chỉ mang tính hình thức và hoàn toàn không có ích lợi gì đối với người dân, doanh nghiệp.

Trong việc xây dựng và công bố chỉ số PAR Index, người dân và doanh nghiệp không chỉ được biết, mà còn được tham gia đánh giá. Chính sự tham gia của những người thụ hưởng chính sách sẽ giúp chỉ số này tránh được “bệnh thành tích hình thức”.

Đã có một cuộc đua âm thầm nhưng quyết liệt giữa các địa phương về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có một cuộc đua mới với quyết tâm “ghi điểm” thực sự của các bộ ngành, địa phương về cải cách hành chính. Đất nước, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ cuộc thi đua lành mạnh đó.

Kim Tuấn