In bài viết

Chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng tại các TCTD

(Chinhphu.vn) - Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các TCTD này.

17/05/2018 11:09
 
 Ảnh minh họa - Internet

Tiếp theo văn bản số 1366/TTGSNH4 ngày 03/5/2018 của Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị số 07/CT-NHNN đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống, để bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tài chính và quyền lợi của khách hàng vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các công việc sau:

Rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay, phát hành và cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của TCTD theo đúng quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, 43/2016/TT-NHNN, 19/2016/TT-NHNN và 26/2017/TT-NHNN; phổ biến, quán triệt tới tất cả các đơn vị, nhân viên để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ.

Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, đặc biệt là các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay; các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay; các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành thẻ tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định…

Kiểm tra việc tuân thủ các quy định

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới hoạt động TCTD; đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật (trong đó bao gồm minh bạch thông tin hợp đồng, bảo mật thông tin khách hàng, sử dụng biện pháp thu hồi nợ phù hợp...); kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Bên cạnh đó, rà soát chất lượng cán bộ, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá cán bộ, hạn chế rủi ro đạo đức có thể xảy ra; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro, vi phạm có thể xảy ra.