Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, quảng cáo sản phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
"Thậm chí, không ít sản phẩm được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, có trường hợp bỏ điều trị bệnh tại cơ sở y tế để sử dụng những loại thực phẩm này chữa bệnh vì họ nghe và tin vào quảng cáo. Đến khi bệnh nặng thì đã quá muộn", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Qua thanh tra, kiểm tra, đơn vị này còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân và lôi kéo các em sinh viên tham gia bán thực phẩm chức năng trái quy định. Nhiều trường hợp sản phẩm được quảng cáo sai quy định trên các trang web, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ phủ nhận hoàn toàn…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các văn bản pháp luật hiện nay quy định rất rõ, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế được thuốc chữa bệnh. Vì vậy, việc chấn chỉnh quảng cáo các sản phẩm này vừa để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân, đồng thời tạo bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sực khỏe hiện nay, các cơ quan phát hành quảng cáo cần phải kiểm duyệt nội dung quảng cáo theo đúng nội dung của cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt.
Đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cũng cho rằng, cần quy định không được đặt mẫu quảng cáo sản phẩm cùng bài viết hoặc giới thiệu tính năng tác dụng của sản phẩm quảng cáo… nhằm ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở để lách luật.
Trong năm 2020 và 2021, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng đã phạt hành chính khoảng 3,9 tỷ đồng các vi phạm về quảng cáo, buộc gỡ bỏ nhiều gian hàng và hàng trăm sản phẩm vi phạm nội dung quảng cáo trên sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Cũng tại hội nghị, đa số đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, có 2 chủ thể phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sản phẩm, đó là chủ sở hữu sản phẩm bảo vệ sức khỏe và người phát hành quảng cáo. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay rất khó xử phạt chủ sở hữu sản phẩm vi phạm quảng cáo, do họ không thừa nhận và không chịu trách nhiệm khi sản phẩm của mình quảng cáo sai trên các trang web.
Đối với những trường hợp này, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cần quy định đơn vị, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải chịu trách nhiệm khi phát hiện quảng cáo sai phạm liên quan đến sản phẩm của mình, tránh trường hợp khi kiểm tra thì không thừa nhận quảng cáo của mình, trong khi sản phẩm bán đi thì đơn vị, cá nhân đó vẫn nhận lợi nhuận.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, tới đây, khi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, các cơ quan chức năng sẽ đưa trách nhiệm của chủ thể có sản phẩm bảo vệ sức khỏe vào nội dung vi phạm quảng cáo, kể cả không phải chủ thể quảng cáo sai nhưng sẽ vẫn phải liên đới khi sản phẩm của mình khi bị quảng cáo sai.
"Ít nhất, khi phát hiện sản phẩm của cá nhân, tổ chức vi phạm quảng cáo, mặc dù trang web đó tổ chức, cá nhân không nhận của mình, nhưng cơ quan chức năng sẽ tạm thời dừng tiếp nhận các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân đó", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Hiền Minh