Ảnh minh họa |
Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, năng lực cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sự nghiệp nói chung và y tế nói riêng, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Bộ Y tế đã tổ chức một số đoàn kiểm tra, đánh giá và yêu cầu các đơn vị tổng kết, đánh giá cho thấy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai chủ trương trên như: Một số đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục như: chưa xây dựng Đề án, chưa bàn bạc công khai, dân chủ, chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi và quản lý; một số đơn vị chưa xây dựng cơ cấu giá dịch vụ theo quy định, chưa công khai giá để người dân biết, lựa chọn; một số đơn vị còn để xảy ra tình trạng lạm dụng kỹ thuật; cách bố trí phòng khám, khu điều trị theo yêu cầu chưa hợp lý dẫn đến người bệnh cảm thấy bị phân biệt đối xử, chưa yên tâm vì sự minh bạch giữa công – tư trong khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Bộ Y tế đã chỉ thị cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị y tế các ngành, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện xã hội hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu nằm trong bệnh viện công lập nhằm thực hiện nghiêm các quy định về xã hội hóa.
Công khai, minh bạch danh mục và mức giá các dịch vụ
Cụ thể, khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xã hội hóa, phải xây dựng đề án trong đó đặc biệt lưu ý việc lựa chọn đối tác; thẩm định và lựa chọn trang thiết bị liên doanh, liên kết; xây dựng phương án chi phí làm cơ sở quyết định mức giá dịch vụ. Đề án xây dựng xong phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa phải công khai, minh bạch danh mục và mức giá các dịch vụ để người bệnh biết, lựa chọn, không được ép buộc, gợi ý người bệnh sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu, các dịch vụ thực hiện bằng thiết bị liên doanh, liên kết trong khi tại đơn vị có loại thiết bị đó được đầu tư từ ngân sách nhà nước và còn đủ khả năng đáp ứng. Thực hiện kê khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Các đơn vị phải theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí và phản ánh vào báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Không phân biệt đối xử bệnh nhân
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu phải tổ chức hợp lý các đơn vị, bộ phận khám, chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị đang có quá tải lớn cần phải dành nhà cửa, buồng bệnh, trang thiết bị để phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; tránh phân biệt đối xử về thái độ, tinh thần phục vụ giữa người bệnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và người bệnh khám, chữa bệnh dịch vụ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xã hội hóa trong y tế để kịp thời phát hiện các bất hợp lý, tồn tại, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nếu có sai phạm. Đặc biêt, phải rà soát các trang thiết bị đã đưa vào liên doanh, liên kết, nếu phát hiện các trang thiết bị không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ thì phải dừng ngay hợp đồng với phía đối tác, báo cáo UBND cấp tỉnh để xem xét, cấp kinh phí cho đơn vị mua để có thiết bị thực hiện dịch vụ.
Tuệ Văn