Vì vậy, mọi quy mô chăn nuôi đều có thể đăng ký chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi.
Sản phẩm được chứng nhận VietGAP có lợi thế trong cạnh tranh
Chứng nhận VietGAP chăn nuôi đem lại nhiều lợi ích, đó là, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Sản phẩm được công nhận theo tiêu chuẩn của VietGAP được đánh giá cao, rất dễ dàng lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Chứng nhận cũng làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với thực phẩm an toàn; bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ thực phẩm mất an toàn, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Chất lượng và giá cả của sản phẩm luôn ổn định.
Đồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của nhà sản xuất, chế biến, phân phối. Tạo lập một ngành chăn nuôi bền vững với việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và bảo đảm lợi ích xã hội.
Tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng) và nhà quản lý.
Các tổ chức chứng nhận VietGAP
Trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP được quy định tại Điều 21 Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như sau:
“1. Trách nhiệm:
a) Bảo đảm và duy trì điều kiện sản xuất/sơ chế; đánh giá nội bộ đáp ứng yêu cầu của VietGAP;
b) Thực hiện VietGAP theo đúng phạm vi được chứng nhận. Khi có thay đổi ảnh hưởng đến thực hiện VietGAP phải thông báo ngay cho tổ chức chứng nhận để theo dõi, giám sát;
c) Có hành động khắc phục những điểm không phù hợp đúng thời hạn khi bị cảnh cáo hoặc đình chỉ hoặc hủy bỏ giấy chứng nhận VietGAP;
d) Trả đầy đủ chi phí cho tổ chức chứng nhận thực hiện chứng nhận VietGAP theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này;
đ) Thể hiện các thông tin trung thực về sản phẩm được chứng nhận VietGAP trên nhãn hàng hóa và chịu trách nhiệm về sự phù hợp của các sản phẩm theo VietGAP;
e) Khi phát hiện lô sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm: Phải tạm dừng phân phối lô sản phẩm, thu hồi sản phẩm nếu đã đưa ra lưu thông trên thị trường, điều tra xác định nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và tiến hành biện pháp khắc phục đồng thời ghi chép trong hồ sơ. Trường hợp không khắc phục được nguy cơ gây mất an toàn phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại và tổ chức chứng nhận để có biện pháp xử lý phù hợp.
2. Quyền hạn:
a) Bảo lưu ý kiến nếu không đồng ý với kết quả đánh giá, giám sát của Đoàn đánh giá, giám sát;
b) Khiếu nại về kết quả chứng nhận, kiểm tra, thanh tra, đánh giá, giám sát theo quy định của pháp luật;
c) Sử dụng mã số chứng nhận VietGAP, logo VietGAP theo quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc logo hoặc dấu hiệu của tổ chức chứng nhận theo thỏa thuận với tổ chức chứng nhận;
d) Lựa chọn tổ chức chứng nhận VietGAP, phòng thử nghiệm được chỉ định. Trong trường hợp thay đổi tổ chức chứng nhận, cơ sở sản xuất phải cung cấp đủ thông tin cần thiết và khai báo mã số chứng nhận VietGAP cũ với tổ chức chứng nhận mới;
đ) Sản phẩm được sản xuất/sơ chế phù hợp với VietGAP là căn cứ để cơ sở sản xuất công bố sản phẩm an toàn tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
e) Lựa chọn, thuê tổ chức, cá nhân tư vấn trong quá trình chuẩn bị, đăng ký, đánh giá chứng nhận VietGAP”.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ định cho 19 tổ chức chứng nhận là tổ chức chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi.
Vì vậy, nếu có nhu cầu được tư vấn xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả đồi đạt tiêu chuẩn VietGAP đề nghị ông Việt liên hệ với các tổ chức chứng nhận trên để được tư vấn và chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi.