In bài viết

Chặng đường 10 năm từ Website đến Cổng TTĐT Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Cách đây 10 năm, ngày 10/1/2006, Trang tin điện tử Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam - Website Chính phủ, nay là Cổng TTĐT Chính phủ, đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn nút hòa mạng Internet.

01/01/2016 07:46
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm sự kiện này (2006-2016), bài viết "Chặng đường 10 năm từ Website đến Cổng TTĐT Chính phủ" của Tiến sĩ Nguyễn Công Hóa, nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án Website Chính phủ, ôn lại quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Website Chính phủ - tiền thân của Cổng TTĐT Chính phủ hiện nay.
Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn nút hòa mạng Website Chính phủ lên Internet 10/01/2006.
Ảnh: VGP
Quá trình xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ, một hạng mục quan trọng của cải cách hành chính theo hướng chính phủ điện tử, có thể chia làm 4 giai đoạn.

Chuẩn bị về phương pháp luận và phân tích thực tiễn Việt Nam (2001-2002)

Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng “Xúc tiến nhanh và có hiệu quả việc hiện đại hóa công tác hành chính, đặc biệt là ứng dụng CNTT”, đồng thời góp phần tham mưu cho Chính phủ (phần liên quan đến Chính phủ điện tử) chuẩn bị ký kết Hiệp định khung ASEAN điện tử (e-ASEAN) vào cuối năm 2000, tháng 6/2000, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP phê duyệt thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Đề tài 03/2001/NCKH-VPCP): “Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin quản lý phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ”. Ban Chủ nhiệm gồm TS. Nguyễn Công Hóa và TS.Nguyễn Ngọc Đức.

Quá trình thực hiện Đề tài có sự tham gia của các đơn vị thuộc VPCP, đặc biệt có sự tham gia rất tích cực tại các buổi hội thảo, nghiên cứu chi tiết nội dung và góp ý sâu sắc của chuyên gia đầu ngành CNTT như  GS. Phan Đình Diệu (nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT) và các chuyên gia cao cấp về quản lý- thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng như đồng chí Trần Việt Phương (nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), đồng chí Vũ Quốc Tuấn (nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Các thành viên Đề tài đã nghiên cứu tổng quan về các đặc điểm địa-chính trị, kinh tế-xã hội của hơn 200 nước và lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt các quan điểm lý luận về Chính phủ điện tử (CPĐT) và kinh nghiệm xây dựng CPĐT của một số nước đi trước trong khu vực. Mặt khác, đã tổng hợp đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính của Việt Nam, từ đó nêu quan điểm thực tiễn và đề xuất giải pháp triển khai tin học hóa hệ thống hành chính nhà nước theo hướng CPĐT.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được sử dụng làm tư liệu cho biên soạn hai cuốn sách quan trọng.

Cuốn sách thứ nhất là “Các nước và lãnh thổ trên thế giới trước ngưỡng cửa thế kỷ 21-Thông tin tổng hợp" (NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2001, Thủ tướng Phan Văn Khải viết lời giới thiệu), kịp thời phục vụ Đại hội Đảng lần thứ IX.

Cuốn sách thứ hai là "Tin học hoá quản lý Nhà nước và mô hình Chính phủ điện tử-Phân tích kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” (VPCP xuất bản năm 2001, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao viết lời giới thiệu).

Nội dung cuốn sách này là cơ sở lý luận và khung thực tiễn để triển khai ứng dụng CNTT tại VPCP trong những năm qua, trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng Website Chính phủ.

Và như Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã viết trong lời giới thiệu “… Đồng thời tài liệu này cũng có giá trị như là một tư liệu tham khảo cho quá trình thực hiện đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 sau khi Quyết định 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/07/2001 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành…” .

Thành lập Ban Quản lý dự án, nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật (3/2003-6/2005)

Từ tháng 5/2002, nhiệm vụ xây dựng Trang tin điện tử của Chính phủ trên Internet được Thủ tướng Chính phủ giao cho VPCP tiếp nhận từ Bộ Văn hóa và Thông tin.

Đến ngày 24/7/2002, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-VPCP thành lập Ban tiếp nhận và xây dựng Dự án này.

Ngày 7/11/2003 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 229/2003/QĐ-TTg thành lập Trang tin điện tử của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên Internet (gọi tắt là Website Chính phủ) với mục tiêu “Website Chính phủ là cơ quan thông tin của Chính phủ, cung cấp thông tin chính thức cho nhân dân Việt Nam và người nước ngoài về những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác của cả nước trên mạng Internet; Website Chính phủ là đầu mối kết nối hoạt động cung cấp thông tin qua Internet của cơ quan hành chính các cấp, hướng tới phục vụ triển khai hoạt động dịch vụ công về thông tin và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính phủ với nhân dân”.

Một số văn bản pháp lý đã được ban hành để thực hiện Quyết định quan trọng này.

Tại Quyết định số 100/2004/QĐ-TTg ngày 16/1/2004 Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Website Chính phủ.

Ban Chỉ đạo (BCĐ) gồm lãnh đạo của 10 bộ, ngành, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao làm Trưởng Ban, Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản là Phó Ban Thường trực. Đồng thời, giao cho VPCP chủ trì xây dựng, tổ chức quản lý, đảm bảo hoạt động của Website Chính phủ.

Ngày 16/3/2004,  Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đã ký Quyết định số 195/QĐ-VPCP về việc thành lập Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) đầu tư và xây dựng Trang tin điện tử của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên Internet.

Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế

Dựa vào cơ sở phương pháp luận và nội dung triển khai các nhiệm vụ tin học hóa quản lý nhà nước đã được nghiên cứu ở giai đoạn 1, Ban QLDA cùng với nhóm chuyên viên kỹ thuật đã khai thác sử dụng hạ tầng hệ thống mạng ITnet.vn ( mạng ITNET.vn và các thành viên từ tháng 1/2000 được điều động từ Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT sang Trung tâm Tin học VPCP) để quản lý, vận hành thử các phương án lựa chọn thiết kế và thi công kỹ thuật.

Sau 2 tháng hoạt động,  Ban QLDA đã trình nhiệm vụ thiết kế dự án đầu tư xây dựng Website Chính phủ và đã được phê duyệt tại Quyết định số 464/QĐ-VPCP ngày 4/6/2004 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP.

Phê duyệt Báo cáo khả thi

Do độ phức tạp và quy mô dự án lớn, phải chờ tổng hợp ý kiến của các Bộ thành viên BCĐ và nhiều đơn vị liên quan, nên 9 tháng sau khi nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt,  Ban QLDA cùng đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty VASC - thuộc VNPT) mới xây dựng xong phiên bản thứ 5 Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được trình Bộ trưởng-Trưởng Ban BCĐ cùng toàn thể thành viên BCĐ, đã được Hội đồng thẩm định Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) họp đánh giá và thông qua tại Biên bản số 49/BBCVT-KHTC, ngày12/1/2005.

Căn cứ kết quả thẩm định, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đồng ý với Phiếu trình số 958 ngày 3/3/2005 của Ban QLDA. Sau đó tại Quyết định số 185/QĐ-VPCP, ngày 21/3/2005, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán

Ban QLDA đã rút ngắn thời gian đáng kể cùng đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng hoàn thành phiên bản cuối cùng (số 3) tài liệu thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán Website Chính phủ, về trình độ kỹ thuật đạt ngang tầm hiện đại với các nước tiên tiến, cùng phương án tối ưu tiết kiệm cho tổng dự toán đầu tư.

Bản thiết kế đã được Bộ Bưu chính viễn thông thẩm định vào ngày 31/5/2005.

Sau khi lấy thêm ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo và các Vụ chức năng thuộc VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại Quyết định của số 1160/QĐ-VPCP, ngày 18/6/2005 đã phê duyệt bản thiết kế.

Thi công, thử nghiệm và chính thức khai trương (4/2005-1/2006)

Ban QLDA đã phối hợp với các đơn vị tư vấn tiến hành quá trình lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn tư vấn chấm thầu và chọn các nhà thầu thi công theo các gói thầu và các hạng mục kỹ thuật. Nhóm hỗ trợ kỹ thuật đã tiến hành thử nghiệm các phương án.

Về mặt kỹ thuật: Hạ tầng CNTT bao gồm kiến trúc mạng, cấu hình thiết bị để đặt tại 2 địa điểm (thiết bị thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin kể cả phần mềm hệ thống và phần mềm nền, quản trị nội dung và cơ sở dữ liệu).

Đặc biệt là hệ thống đảm bảo an toàn và an ninh nội dung cơ sở dữ liệu của Website Chính phủ được đầu tư ngang mức hiện đại của các nước tiên tiến trong khu vực. Hạ tầng đã sẵn sàng cho việc chuyển tiếp sang giai đoạn bước đầu hoạt động theo hình thức Cổng TTĐT của Chính phủ.

Về cấu trúc dữ liệu và nội dung thông tin, Website Chính phủ gồm 24 chuyên mục chính, với 5 lớp thông tin cùng 1.500 chuyên mục chi tiết và kho dữ liệu điện tử chứa hơn 2 vạn văn bản pháp luật, nội dung thông tin đa phương tiện, âm thanh, hình ảnh; hệ thống thư công vụ mail@chinhphu.vn.

Đặc biệt, trong chuyên mục “Bài học kinh nghiệm” có những tư liệu có giá trị lịch sử quý hiếm, có thể bổ sung vào tư liệu lịch sử của Chính phủ.

Từ Website Chính phủ có thể liên kết đến Website của tất cả các đơn vị bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chương trình lớn của Nhà nước, các Website báo điện tử lớn, Website của các Đại sứ quán các nước và các Văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Dựa vào quy mô, chức năng nhiệm vụ của hệ thống đã được vận hành hoạt động thử nghiệm ổn định, VPCP sau khi lấy ý kiến góp ý của các bộ, đơn vị liên quan, cùng nhiều cuộc họp do Ban QLDA giải trình theo yêu cầu, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 250/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 về tổ chức và hoạt động của Trang tin điện tử của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên Internet.

Tháng 11/2005 thi công hệ thống đảm bảo kỹ thuật đối thoại trực tuyến từ Website Chính phủ kết nối qua Internet tại trụ sở cơ quan Website Chính phủ, 16 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Tại Báo cáo số 42, Ban QLDA đã báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm và trình Thủ tướng Phan Văn Khải về việc hệ thống Website Chính phủ đã sẵn sàng cho Chính phủ khai trương.

Ngày 10/1/2006, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã nhấn nút phát lệnh đưa Website Chính phủ chính thức hoà mạng Internet toàn cầu với sự hiện diện của các quan khách trong nước và quốc tế.

Sự kiện này là một dấu mốc lịch sử trong quá trình hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ Việt Nam. Truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin và thông báo rộng rãi về Website chính thức của Chính phủ Việt Nam trên Internet.

Năm 2006, Website Chính phủ đã được nhận Kỷ niệm chương Cúp vàng về CNTT và được truyền thông trong nước đánh giá là sự kiện thứ nhất trong 10 sự kiện nổi bật năm 2006.

Giai đoạn vận hành kiểm nghiệm ổn định kỹ thuật, nghiệm thu, kiểm toán và phê duyệt quyết toán Dự án (1/2006-12/2007).

Sau khi chính thức hoạt động trên Internet, Ban QLDA tiếp tục giám sát quá trình vận hành và thường xuyên báo cáo tình trạng hoạt động của Website Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm.

Ngày 26/5/2006 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã ban hành Quyết định số 05/2006/QĐ-VPCP về Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ quan Trang tin điện tử của Chính phủ trên Internet.

Tháng 6/2006 Website Chính phủ ra mắt Trang tiếng Anh chuẩn bị cho dịp APEC 2006 sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ

Ngay từ khi nhận trọng trách là người đứng đầu Chính phủ từ ngày 28/6/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất quan tâm, yêu cầu Ban QLDA và lãnh đạo cơ quan Website Chính phủ báo cáo thường xuyên. Khi làm việc Thủ tướng sử dụng máy tính hàng ngày trực tiếp khai thác thông tin và góp ý cho nhiều chuyên mục quan trọng của Website Chính phủ.

Sau khi có Quyết định số 07/2006/QĐ-VPCP ngày 18/8/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP về việc tổ chức tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính, Website Chính phủ đã mở mục tiếp nhận theo 4 nội dung cụ thể.

Hàng nghìn thư của công dân, doanh nghiệp trong nước, kiều bào ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế đã gửi đến hộp thư của Website Chính phủ và đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông báo chí khác tỏ rõ sự hoan nghênh, ủng hộ nhiệt tình về quyết tâm cải cách hành chính của Chính phủ.

Đặc biệt sau khi Website điểm lại 30 ý kiến chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, chủ thể phải báo cáo trong tháng 8/2006 nhưng chưa được thực thi, trong đó có việc xử lý các vụ, việc liên quan đến tham nhũng và lập chương trình hành động chống tham nhũng, các đơn vị liên quan đã có chuyển động tích cực và thông báo ngay tiến độ về Website Chính phủ. 

Từ đầu tháng 7/2006, hệ thống đảm bảo phần mềm và phân tích nội dung quy trình đối thoại trực tuyến đã được nhóm kỹ thuật Ban QLDA phối hợp các đơn vị thi công và thử nghiệm.

Ngày 20/7/2006, Trưởng Ban QLDA đã có công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP báo cáo hiện trạng hoạt động của Website Chính phủ sau 6 tháng vận hành và đề xuất các kiến nghị nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của cơ quan Website Chính phủ, hoàn thiện hệ thống kỹ thuật để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quan trọng được giao.

Tháng 11/2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao nhiệm vụ cho Ban QLDA và lãnh đạo Website Chính phủ tổng hợp kinh nghiệm của quốc tế, thu thập những nhu cầu, quan tâm của nhân dân và doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, để trong thời gian sớm nhất, qua Website Chính phủ, Thủ tướng sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Internet.

Một số hình ảnh tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân ngày 9/2/2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VGP

Từ 24/1/2007, Website Chính phủ đã chủ trì phối hợp với Website Đảng Cộng sản Việt Nam và Báo điện tử Vietnamnet tiến hành thu thập nội dung các câu hỏi từ cả nước và quốc tế gửi đến qua hộp thư điện tử. Hàng ngày 3 đơn vị đều giao ban cùng phân tích kết quả và phân nhóm các chủ đề. Sau khi trực tiếp kiểm tra tính sẵn sàng vận hành của hệ thống, Thủ tướng đã quyết định chính thức đối thoại trực tuyến.

Từ 8h30 đến 12h00 ngày 9/2/2007, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tuyến với nhân dân trong và ngoài nước về 9 chủ đề quan trọng, tổng hợp từ hơn 3 vạn câu hỏi mà xã hội quan tâm gửi đến trên Website Chính phủ, có sự theo dõi trực tiếp của nhiều cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.

Cuộc đối thoại đã trở thành một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn cả về xã hội, chính trị, đối ngoại được dư luận trong nước và quốc tế đưa tin và đánh giá cao; được các cơ quan truyền thông đánh giá là 1 trong 10 sự kiện nổi bật về CNTT và truyền thông năm 2007.

Website Chính phủ đã vận hành liên tục 24/7/365, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ theo đúng mục tiêu đề ra, trở thành phương tiện giao tiếp điện tử chính thống giữa Chính phủ với cộng đồng xã hội trong và ngoài nước.

Những quyết sách, thông điệp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về quản lý, điều hành đất nước đã được chuyển tải toàn văn tức thời đến mọi người quan tâm qua mạng thông tin toàn cầu, không phụ thuộc vào khoảng cách không gian và thời gian. Đồng thời, cũng hầu như tức thời qua Website Chính phủ có thể thu nhận được ý kiến của công dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế gửi đến Chính phủ trả lời.

Ngày 19/7/2007, Ban QLDA đã chính thức bàn giao cho cơ quan Website Chính phủ vận hành và triển khai các bước phát triển tiếp, theo lộ trình Cổng TTĐT của Chính phủ.

Ngày 15/8/2007, phát hành Trang tin chính thức và duy nhất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (thutuong.chinhphu.vn) như một trang thành phần của Cổng TTĐT Chính phủ.

Cũng trong tháng 8/2007, Website Chính phủ đã chính thức tích hợp Trang tin của Văn phòng Chính phủ (vpcp.chinhphu.vn), đồng thời mở 11 cửa giao tiếp trực tuyến với nhân dân, doanh nghiệp.

Kết quả của việc xây dựng thành công và hiệu quả Website Chính phủ-giai đoạn đầu của Cổng TTĐT Chính phủ, là do sự quan tâm sát sao của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, VPCP Thường trực BCĐ.

Đặc biệt, nhờ sự nỗ lực của tập thể các cán bộ, chuyên viên, kỹ thuật viên thuộc Ban QLDA và cơ quan Website Chính phủ phối hợp với các đối tác thi công, giám sát vượt qua những khó khăn ban đầu để hoàn thành nhiệm vụ, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị từ VPCP và các bộ, ngành, địa phương.

Một vấn đề rất quan trọng có tính chất bài học kinh nghiệm, là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết, phương pháp luận khoa học, kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt là thực tiễn của đất nước trong quá trình triển khai dự án, chính là chìa khóa của sự thành công này.

TS. Nguyễn Công Hóa