Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh Minh Thăng |
Đàm phán Geneva 1954-Cột mốc quan trọng của ngoại giao Việt Nam
Hội nghị Geneva 1954 đánh dấu lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam bước lên vũ đài đám phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình.
Hiệp đinh Geneva khẳng định rõ sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và việc rút hoàn toàn quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý và nền móng để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bền bỉ đi tới thắng lợi, giành được hoàn toàn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước 20 năm sau đó.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva còn có ý nghĩa quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc. Trong bối cảnh phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ, việc một quốc gia nhỏ bé tự giải phóng mình khỏi chế độ thực dân, đấu tranh giành được các quyền dân tộc cơ bản trên bàn hội nghị quốc tế với các cường quốc, đã là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức khác trên toàn thế giới.
Chặng đường 60 năm sau đàm phán Geneva
60 năm đã trôi qua. Tiếp nối thành công ngoại giao vang dội của Hiệp định Geneva, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nền ngoại giao Việt Nam đã lập nên những chiến công huy hoàng, gắn liền với những mốc son lịch sử của đất nước.
Ngày nay, khi cả dân tộc đang đồng lòng, nỗ lực tiến lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, nhìn lại những thắng lợi của đàm phán Geneva, chúng ta đều thấy rõ đó chính là những viên gạch hết sức quan trọng, tạo thành nền móng vững chắc cho ngoại giao Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn và giành được nhiều thành công hơn trong việc thực hiện ba mục tiêu: Giành và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vị thế của Tổ quốc trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông G.Salnteny (giữa), đại diện Chính phủ Pháp, cùng đại diện các nước Đồng minh nghe đọc Văn bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 trước khi ký kết, Hà Nội năm 1946. Ảnh tư liệu |
Nếu như trước 1954, Việt Nam DCCH có quan hệ ngoại giao với 9 nước trong khối XHCN, thì trong giai đoạn 1954-1973, chúng ta đã lập quan hệ ngoại giao với 36 nước khác, tạo thành mặt trận quốc tế công nhận độc lập, chủ quyền và tư thế quốc tế của Việt Nam DCCH, ủng hộ cho sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc.
Kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm từ đàm phán Geneva 1954, được sự hậu thuẫn bởi những thắng lợi vang dội trên khắp các mặt trận giải phóng miền Nam, sự ủng hộ to lớn của các nước bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngoại giao Việt Nam lại lập nên một chiến công mới: Thắng lợi trên bàn đàm phán Hội nghị Paris năm 1973.
Một lần nữa, thắng lợi của mặt trận ngoại giao đã mở ra cơ hội to lớn cho thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Thành công của đàm phán Paris đã củng cố thế đứng quốc tế vững chắc của ta, với việc có thêm 29 nước lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam DCCH trong giai đoạn 1973-1975, trong đó có nhiều nước phương Tây, phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Italy, Australia…
Sau khi Tổ quốc hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh vận động thế giới công nhận ngoại giao, khẳng định vị thế và những quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng, hợp pháp của một đất nước Việt Nam thống nhất trên trường quốc tế. Trong vòng 5 năm sau 30/4/1975, nước ta đã lập quan hệ ngoại giao với 31 quốc gia. Năm 1977, Cộng hòa XHCN Việt Nam chính thức gia nhập Đại hội đồng LHQ, với tư cách một quốc gia hoàn toàn thống nhất, độc lập, được công nhận rộng rãi, bình đẳng trên trường quốc tế.
Với một lịch sử đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dân tộc Việt Nam luôn quý trọng hòa bình để tập trung cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Nền hòa bình mà Việt Nam mong muốn là một nền hòa bình thực sự, gắn liền với các quyền dân tộc thiêng liêng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “nhân dân ta rất thiết tha yêu hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng phải là hòa bình thật sự trong độc lập, tự do”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946. Ảnh tư liệu |
Tới nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới[2]; có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và đối tác toàn diện với 11 nước khác, trong đó bao gồm toàn bộ các Ủy viên thường trực HĐBA LHQ; là thành viên của hầu khắp các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng.
Chúng ta đã cơ bản giải quyết nhiều vấn đề biên giới, lãnh thổ trên bộ và trên biển với các nước láng giềng, khu vực. Cùng với đó, thị trường và những mối quan hệ kinh tế của Việt Nam được mở rộng mạnh mẽ. Từ năm 1986 đến năm 2003, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ khoảng 3 tỷ USD lên 263,5 tỷ USD[3]; tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài từ con số 0 tăng lên hơn 230 tỷ USD[4].
Việt Nam đã tham gia tích cực vào hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, ký kết các hiệp định thương mại, đầu tư song phương với nhiều nước, và đang trong quá trình đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn với các đối tác quan trọng[5]…
Đặc biệt, vào tháng 1/2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sau 12 năm đàm phán song phương với 28 đối tác, 14 vòng đàm phán đa phương và một chiến dịch vận động ngoại giao kiên trì, bài bản, đa dạng; chấp nhận những nguyên tắc và luật chơi thương mại toàn cầu để tìm kiếm, tranh thủ và tự tạo ra cơ hội, thúc đẩy cho quyền lợi chính đáng của mình. Những thành công đó đã giúp tăng cường đan xen lợi ích dân tộc với lợi ích chung của quốc tế, từ đó tạo điều kiện để lợi ích dân tộc được bảo vệ tốt hơn và hiệu quả hơn.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ngày nay, chúng ta mạnh mẽ khẳng định chủ trương Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Sự đóng góp của Việt Nam cho quốc tế ngày càng tích cực, rộng khắp và hiệu quả, như tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, góp phần củng cố đoàn kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, các sáng kiến về phát triển bền vững và gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Những đóng góp đó được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện qua việc Việt Nam được bầu và phát huy hiệu quả vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Chủ tịch ASEAN năm 2010, được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2013-2014, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2014-2017…
Sự chủ động tham gia sâu rộng và tích cực vào các công việc, vấn đề chung của cộng đồng quốc tế đã tạo điều kiện cho chúng ta giới thiệu, làm rõ và bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia, dân tộc; tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của khu vực và thế giới đối với các vấn đề quan tâm và lợi ích của Việt Nam.
Cùng với những thành tựu kể trên, hiện nay đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những cơ hội lớn để tiếp tục hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới, phấn đấu vì mục tiêu một Việt Nam phát triển bền vững, công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, những thử thách đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng đang ngày càng phức tạp và đa dạng. Chủ quyền và quyền chủ quyền của đất nước trên biển đang bị xâm phạm; môi trường hòa bình đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức; quá trình hội nhập quốc tế không phải hoàn toàn thuận lợi mà có nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt… Trong bối cảnh nguy cơ, thách thức đan xen với nhiều vận hội mới, những bài học thắng lợi của ngoại giao Việt Nam kể từ Hội nghị Geneva và được khẳng định trong suốt 60 năm qua vẫn còn nguyên giá trị cho thời đại ngày nay.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ- Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở LHQ. Ảnh tư liệu |
Bài học “nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”[6], hay nói ngắn gọn là bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, luôn là phương châm cơ bản nhất của ngoại giao Việt Nam. Tại Hội nghị Geneva, ta đã có một số bước đi mang tính sách lược, nhưng luôn kiên định những quyền dân tộc cơ bản độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Cho tới nay, bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là khi tình hình quốc tế hiện đang có nhiều biến động, xuất hiện những nguy cơ đe dọa đến hòa bình và chủ quyền của đất nước. Lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là bất khả xâm phạm. Các thế hệ ông cha đã hy sinh để có được giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay; các thế hệ cháu con như chúng ta phải bảo vệ bằng được chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước.
Hơn lúc nào hết, ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục thấm nhuần và vận dụng linh hoạt, hiệu quả bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”: Mềm dẻo, uyển chuyển, khôn khéo nhưng phải kiên định, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ hòa bình, ổn định cho dân tộc, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển đất nước.
Bài học từ đàm phán Geneva về độc lập, tự chủ, xử lý khôn khéo quan hệ giữa các cường quốc vẫn là một bài học đầy giá trị. Hội nghị Geneva vốn được tổ chức theo sáng kiến và chịu nhiều chi phối của các nước lớn, nhưng chúng ta đã luôn cố gắng bảo vệ lợi ích dân tộc và đã đạt được những kết quả tốt nhất phù hợp với thực lực và hoàn cảnh của mình. Bài học này vẫn tiếp tục là định hướng quan trọng hàng đầu cho ngoại giao Việt Nam, được thể hiện rõ qua phương châm đối ngoại của Đảng “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”[7].
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi khu vực Đông Nam Á đang là một trọng tâm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, việc hiểu rõ và thực hiện khéo léo, hiệu quả bài học này là rất quan trọng. Ứng xử của chúng ta phải đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, phù hợp với lợi ích chung, không để bị lệ thuộc, nhưng vẫn thúc đẩy được quan hệ đa dạng, sâu sắc, hiệu quả và thực chất với các đối tác.
Thắng lợi của ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Geneva là dựa trên nền tảng sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự phối hợp hiệu quả các mặt trận, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả đất nước. Trong đó, mặt trận quan trọng nhất là mặt trận lòng dân, cụ thể là lòng yêu nước của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn”[8].
Trong tình hình mới, yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của các mặt trận kinh tế, văn hóa, thông tin, khoa học, công nghệ… càng thể hiện rõ, khi sự vận động của các yếu tố trong quan hệ quốc tế ngày càng đan xen phức tạp, sức mạnh mềm và an ninh mềm ngày càng chiếm phần quan trọng trong tổng hòa sức mạnh và an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, khi hậu quả tiềm tàng của chiến tranh ngày càng thảm khốc, xu thế chung của nhân loại tiến bộ là thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, một mặt trận khác cũng đang ngày càng trở nên quan trọng và cần được hết sức quan tâm, đó là mặt trận pháp lý. Và sức mạnh của sự kết hợp các mặt trận cần được dựa trên sức mạnh đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ toàn dân tộc, “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”, “cả nước một lòng”; điều đã giúp chúng ta luôn vượt qua khó khăn và giành thắng lợi từ trước tới nay, nhất là khi phải đối diện với những vấn đề an nguy của đất nước.
Hiện nay, chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam đang bị xâm phạm; luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và DOC của ASEAN chưa được tôn trọng đầy đủ; những hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam trên biển bị quấy nhiễu, đe dọa… Thế giới đang phê phán những hành vi kẻ cả, đơn phương dùng sức mạnh chèn ép các nước nhỏ yếu hơn trên Biển Đông.
Nhìn nhận tình hình đó, khẳng định chính nghĩa thuộc về chúng ta, ngoại giao cần tiếp tục phát huy một bài học quan trọng khác đã được đúc kết trong 60 năm qua, đó là tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Công tác thông tin đối ngoại phải nêu cao và làm cho quốc tế hiểu được chính nghĩa và lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân tộc.
Trong đấu tranh tuyên truyền thời kỳ đàm phán Geneva và đàm phán Paris, ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ, của các phong trào phản chiến tại Pháp, tại Mỹ và trên toàn thế giới. Trong thời đại ngày nay, yêu cầu đối với thông tin đối ngoại ngày càng cao hơn và đa dạng hơn, với mục tiêu giới thiệu rộng rãi hình ảnh Việt Nam hòa bình, thân thiện, hữu nghị, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nhiệm vụ xuyên suốt là kiên trì làm rõ được lẽ phải và những quyền lợi chính đáng của ta phù hợp với quan tâm chung của thế giới, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc ứng xử chung của nhân loại.
Kể từ đàm phán Geneva, ngoại giao Việt Nam đã vượt qua một chặng đường dài, 60 năm nhiều khó khăn gian khổ nhưng cũng đạt được nhiều thành tích, thắng lợi vẻ vang. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách phức tạp, khó lường, đòi hỏi ngoại giao một lòng đoàn kết với sự nỗ lực của tất cả các mặt trận, trên nền tảng thống nhất “ý Đảng, lòng dân”, vì lợi ích quốc gia dân tộc, bình tĩnh, sáng suốt vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo các bài học của đàm phán Geneva để góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh./.
[1] Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân số 5317 ngày 3/11/1968
[2] Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước và quan hệ kinh tế- thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ
[3] Theo số liệu của Tổng cục Thống kê
[4] Tính các dự án còn hiệu lực (theo Cục Đầu tư nước ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
[5] Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), các FTA với Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, EU, EFTA và Hàn Quốc
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, t7, trang 319
[7] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t6, trang 171.