In bài viết

Chặng đường nước rút dự án đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm

(Chinhphu.vn) - Theo tiến độ cam kết của các nhà thầu thi công, dự án đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm phải hoàn thành trong tháng 9/2023. Thời gian không còn nhiều, hiện các đơn vị thi công đang dốc toàn lực để phấn đấu đưa dự án về đích.

24/05/2023 10:47
Chặng đường nước rút dự án đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm - Ảnh 1.

Những khó khăn, vướng mắc của dự án đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm đều được các đơn vị thi công thống nhất giải quyết ngay trên công trường để bảo đảm tiến độ trong chặng nước rút- Ảnh: CPMB

Triển khai đồng thời các hạng mục đúc móng, dựng cột, kéo dây

Những ngày nửa cuối tháng 5, cái "nắng như rang" ở Ninh Thuận không cản bước được tinh thần lao động hăng say của các đơn vị thi công trên công trường đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm.

Đây là dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) quản lý điều hành dự án.

Dự án có quy mô xây dựng đường dây 220 kV, mạch kép (treo trước một mạch), chiều dài hơn 88 km. Xây dựng mới một ngăn xuất tuyến 220 kV tại TBA 220 kV Nha Trang và một ngăn xuất tuyến 220 kV, một ngăn máy cắt vòng và thanh cái vòng tại TBA 220 kV Tháp Chàm.

Đến nay, mặt bằng của dự án đã được tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận cơ bản bàn giao hết các vị trí móng, chỉ còn những vướng mắc nhỏ trong hành lang tuyến.

Dự án được chia thành 2 đoạn tuyến, trong đó đoạn tuyến không vượt rừng dài khoảng 36 km đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đối với đoạn tuyến vượt rừng thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận có chiều dài 52 km, tương ứng 15 khoảng néo đang được gấp rút thi công.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Chỉ huy trưởng công trình đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn thương mại công nghiệp Việt Á (Tập đoàn Việt Á) cho biết: Đơn vị tham gia gói thầu 21 của dự án có nhiệm vụ xây lắp đường dây 220 kV vượt rừng có chiều dài khoảng 52 km với 64 vị trí cột. Đến thời điểm này đã hoàn thành đào đúc móng 33 vị trí, dựng cột 22 vị trí và đang kéo dây 2 khoảng néo 9,6 km.

Với tính chất cấp bách của dự án, nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, máy móc, vật tư thiết bị để thi công đồng thời 3 hạng mục đúc móng, dựng cột, kéo dây. 

Ông Nguyễn Khắc Ninh, Công ty CP khảo sát thiết kế xây dựng công trình (ICD), đại diện đơn vị tư vấn giám sát cho biết: Đoạn tuyến vượt rừng từ vị trí 66 đến 164 hiện nay là một trong những đoạn tuyến khó khăn nhất mà đơn vị thực hiện giám sát do đi qua đồi núi chủ yếu nền đá nên thi công gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, nhà thầu thi công đã rất nỗ lực, tập trung nguồn lực để thi công đồng loạt, tuy nhiên việc thi công những vị trí khó này cần tăng cường thêm nhân lực, thiết bị để đáp ứng được yêu cầu.

Phối hợp bảo đảm tiến độ dự án

Chặng đường nước rút dự án đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm - Ảnh 2.

Thi công dựng cột đường dây 220 kV Nha Trang- Tháp Chàm qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận-Ảnh: CPMB

Với tính chất cấp bách của dự án, để bảo đảm tiến độ dự án, tháng 4/2023, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã thành lập Ban Chỉ đạo dự án đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm do Phó Tổng giám đốc làm Trưởng ban, Ban QLDA các công trình điện miền Trung cũng thành lập 2 Ban tiền phương tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Ban QLDA các công trình điện miền Trung – CPMB), Trưởng Ban tiền phương tại Ninh Thuận cho biết, dự án này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nắng nóng và nguồn cung điện gặp nhiều thách thức như hiện nay. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng cao của tỉnh Khánh Hòa; đồng thời tạo mạch 220 kV liên kết khu vực Duyên hải miền Trung, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực.

Hiện nay, các vướng mắc mặt bằng của dự án đã cơ bản được tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất của của gói thầu này là thi công trên rừng với đồi núi nhiều đá tảng, việc phá đá sẽ mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, toàn công trường đang rất quyết tâm để vượt qua những thách thức đó, Ban tiền phương cùng các đơn vị tham gia dự án đã phối hợp nhịp nhàng, mọi vướng mắc phát sinh đều được giải quyết ngay để đáp ứng tiến độ thi công.

CPMB đã luôn đồng hành cùng nhà thầu, những khó khăn vướng mắc trong đền bù, đường thi công đều được chủ đầu tư phối hợp thực hiện cùng nhà thầu. Trong đó, ưu tiên nghiệm thu các hạng mục đạt được để giải ngân kịp thời cho nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm không để trượt mục tiêu tháng 9/2023.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Chỉ huy trưởng công trình đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm của Tập đoàn Việt Á cho biết: Đơn vị đã đề ra biện pháp tổ chức thi công phù hợp được CPMB và đơn vị tư vấn giám sát thống nhất.

Theo đó, những vị trí khó khăn còn lại, tranh thủ thời tiết còn khô ráo, đơn vị sẽ tổ chức các tổ đội tiến hành đào đúc móng, đồng thời vận chuyển vật tư thiết bị, phụ kiện lên các vị trí móng trước. Bố trí lực lượng tại các vị trí này để có thể tiến hành dựng cột ngay khi thời tiết không mưa.

"Sau khi hoàn thành toàn bộ dựng cột, toàn bộ nhân lực của đơn vị sẽ dồn sang công tác kéo dây. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và quyết tâm để hoàn thành dự án trong tháng 9/2023", ông Duẩn khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB, cho biết để bảo đảm tiến độ dự án, CPMB đã yêu cầu nhà thầu cử chỉ huy trưởng phải có mặt thường xuyên trên công trường để điều hành dự án. Bổ sung nhân lực, máy đào để mở đường công vụ đồng loạt các vị trí móng còn lại.

Đối với đơn vị tư vấn giám sát, bố trí đầy đủ cán bộ để giám sát; thường xuyên đôn đốc tiến độ, báo cáo tình hình thi công hằng ngày, kịp thời cảnh báo nếu nhà thầu thi công chậm tiến độ. Đối với đơn vị tư vấn thiết kế, bố trí cán bộ giám sát để xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thi công.

Lãnh đạo CPMB cho biết, với một loạt các giải pháp đã triển khai và các nhà thầu đã tuân thủ nghiêm chỉ đạo, CPMB hoàn toàn tin tưởng dự án hoàn thành trong tháng 9/2023, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của EVN và EVNNPT.

Toàn Thắng