Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Kiểm sát. Lê Sơn/VGP |
Theo đó, từ ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực năm 2015, số lượng các vụ án hành chính ở Tòa án cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tăng đột biến. Trong 3 năm, Tòa án nhân dân cấp tỉnh khu vực phía Bắc đã thụ lý giải quyết 4.391 vụ (trong đó có 3.538 vụ, chiếm 80,6% là khiếu kiện về quản lý nhà nước về đất đai), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý 765 vụ án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Qua kiểm sát việc giải quyết một số vụ án hành chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Quang Thành thấy nổi lên một số vấn đề lớn, đó là, công tác đối thoại với người dân của UBND cấp tỉnh, cấp huyện khi triển khai các dự án phát triển KT-XH chưa hiệu quả, không tạo được sự đồng thuận của người dân nên bị kiện ra Tòa. Việc ban hành quyết định hành chính trong nhiều vụ việc thu hồi đất còn trái pháp luật, sai quy trình nên Tòa án phải huỷ quyết định hành chính. Theo thống kê, trong 3 năm đã huỷ 163 quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Theo ông Thành, để việc ban hành quyết định của UBND có căn cứ thì lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phải chủ động tham gia tư vấn, tham gia đối thoại cùng UBND cùng cấp khi được yêu cầu, từ đó giảm thiểu khiếu kiện của người dân và hạn chế phát sinh khiếu kiện hành chính.
Khác với các loại án dân sự, an hành chính được coi là loại án “dân” kiện “quan”. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hành chính thì người bị kiện có nghĩa vụ bình đẳng như người khởi kiện trong quá trình tham gia tố tụng (chấp hành theo giấy triệu tập, cung cấp chứng cứ, tham gia hoà giải, đối thoại…).
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua ở một số địa phương, UBND tham gia vụ án với tư cách người bị kiện đã không thực hiện đúng nghĩa vụ đương sự như không cung cấp chứng cứ, không tham gia đối thoại, cử đại diện tham gia tố tụng không đúng đối tượng khởi kiện, không tham gia phiên toà. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiến hành đối thoại của Tòa án dẫn đến tỷ lệ đối thoại thành công thấp (trong 3 năm chỉ có 10 vụ, chiếm 0,3% số vụ Tòa án giải quyết), hoặc ảnh hưởng đến việc tranh tụng tại phiên tòa, gây bức xúc đối với người khởi kiện hoặc không tham gia phiên tòa nhưng không có lý do nên Tòa án phải hoãn phiên toà, dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài.
Phân tích một trong các lý do dẫn đến việc người bị kiện vắng mặt còn do quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính quy định: Đối với vụ kiện cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thì người bị kiện chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Do đó, ở một số địa phương có phát sinh nhiều vụ án hành chính trong cùng một thời điểm cũng khó bố trí được người đại diện tham gia tố tụng.
Từ thực tiễn nêu trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Quang Thành đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội nghiên cứu có giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả hơn Điều 60 của Luật tố tụng hành chính.
Đánh giá về chất lượng giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm, ông Nguyễn Quang Thành cho rằng “chưa đạt yêu cầu”. Cụ thể, trong 3 năm, số vụ Tòa án cấp phúc thẩm huỷ, sửa án sơ thẩm còn nhiều (Tòa phúc thẩm cấp tỉnh huỷ, sửa 31,4%, Tòa phúc thẩm cấp cao huỷ, sửa 17,9%).
Tuy nhiên, việc án hành chính bị huỷ, sửa chủ yếu do kháng cáo của đương sự. Điều này cho thấy chất lượng công tác kiểm sát bản án của Viện kiểm sát cùng cấp còn hạn chế.
Vẫn theo ông Nguyễn Quang Thành, án hành chính được coi là loại án khó vì liên quan đến các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau, nhất là Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ ngành Kiểm sát phải tự đào tạo “kiến thức pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng” là rất cần thiết hiện nay khi tham gia kiểm sát các vụ án hành chính liên quan đến đất đai đang rất nóng bỏng hiện nay./.
Lê Sơn