![]() |
Các đại biểu chất vấn thành viên Chính phủ tại hội trường trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII - Ảnh Chinhphu.vn |
Trước thềm phiên chất vấn này, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ các mối quan tâm gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Quan tâm vấn đề xóa đói giảm nghèo
Đánh giá cao gói kích cầu của Chính phủ đã góp phần thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Lực (Đồng Tháp) cho biết sẽ chất vấn về quan điểm của Chính phủ trước một số ý kiến cho rằng chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, một lượng tiền đã không đi vào sản xuất như mong muốn. Nếu có hiện tượng này thì cách khắc phục ra sao và trách nhiệm thuộc về ai?
Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể là việc đầu tư cho 62 huyện nghèo. .
Cũng theo đại biểu Nga, những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương giúp các tỉnh nghèo, huyện nghèo vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân. Song tỷ lệ giảm nghèo tại nhiều vùng núi, huyện nghèo chưa đạt như mong muốn.
Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng rất quan tâm và mong muốn được giải đáp về nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân kinh phí cho huyện nghèo.
Đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) cho biết, Cà Mau là một tỉnh nghèo, vùng sâu, sông ngòi dày đặc, dân cư sống phân tán, do đó, ông sẽ đề nghị Chính phủ xem xét khả năng bố trí các nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ và có cơ chế ưu tiên hàng năm cho Cà Mau thực hiện chương trình điện khí hoá các xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao.
Bên cạnh đó ông cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định 210/2006/QD-TTg về tiêu chí, nguyên tắc phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách, số điểm của từng tiêu chí trong quyết định chưa phù hợp, chưa xem xét đến các yếu tố đặc thù của vùng, địa phương có suất đầu tư cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn như đồng bằng sông Cửu Long.
Quan tâm về “tam nông”
Đánh giá cao về công tác điều hành của Chính phủ cũng như mối quan tâm của Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) phản ánh, chương trình xây kho, gửi lúa tín dụng cho bà con đã có, nhưng cử tri cho rằng tiến độ triển khai còn chậm.
Đại biểu sẽ gửi mối quan tâm này tới Thủ tướng, mong muốn Chính phủ có cơ chế để chương trình xây kho, gửi lúa tín dụng được các doanh nghiệp, người dân hưởng ứng một cách nhanh chóng và có hiệu quả cao.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, sẽ chất vấn Thủ tướng về vai trò, chỉ đạo điều hành của Chính phủ nói chung và cá nhân Thủ tướng nói riêng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước nhằm làm cho các địa phương trong vùng có sự gắn kết, cộng hưởng, bổ sung thúc đẩy lẫn nhau, tránh tình trạng chia cắt, riêng rẽ, cạnh tranh, triệt tiêu nguồn lực… để các vùng kinh tế này sớm đạt được mục tiêu.
Liên quan tới vấn đề kiềm chế tai nạn giao thông và giải toả ùn tắc giao thông, theo đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, song thực tế kết quả chưa cao như mong muốn, tới đây sẽ có những biện pháp mạnh mẽ nào và kiên quyết hơn để giải quyết vấn đề này?
Theo tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có hơn 35 câu hỏi mà các đại biểu quan tâm được gửi tới Thủ tướng về các vấn đề như hiệu quả gói kích cầu, hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước, chính sách hỗ trợ lãi suất, giáo dục, giao thông, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề xoá đói giảm nghèo, cải cách hành chính, kết quả thực hiện chính sách tam nông..
Quỳnh Hoa- Nguyễn Hoàng