Theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội trong 2 ngày 7-8/6, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng đánh giá, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đã "quét" gần hết quan tâm của người dân liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, tiền tệ; các Bộ trưởng trả lời tự tin, bình tĩnh, nắm chắc được vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý.
"Điều đó cho thấy sự tiến bộ trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và quản lý của các bộ ngành", bà An bày tỏ.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan không chỉ nêu thực trạng mà còn đưa ra nhiều giải pháp đối với các vấn đề như "được mùa mất giá", ùn tắc nông sản cũng như phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần xếp thứ tự rõ ràng hơn, giải pháp nào là mang tính chất đột phá, sẽ tập trung làm đầu tiên. Một điểm nữa, tuy khó nhưng cử tri và người dân đều mong Bộ trưởng đưa ra lộ trình cụ thể để người dân theo dõi, giám sát và cùng đồng hành thực hiện.
Theo bà Bùi Thị An, mặc dù phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã "quét" gần hết các vấn đề của ngành nông nghiệp nhưng có một mảng rất quan trọng cần được đề cập đến là quản lý rừng. Đây là vấn đề lớn, bởi rừng liên quan đến cuộc sống của rất nhiều người, đặc biệt người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Nguyên. Rừng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng…
Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều nhưng nạn phá rừng vẫn hết sức nặng nề. Do đó, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần quan tâm nhiều hơn nữa, bởi nếu làm tốt việc bảo vệ rừng, trồng lại rừng, giữ được rừng nguyên sinh thì mới bảo đảm được cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
"Tôi mong muốn Bộ trưởng Lê Minh Hoan quan tâm và có những giải pháp chỉ đạo sát sao hơn, phối hợp cùng với Bộ TN&MT, Bộ Công an để quản lý từng tấc rừng, từng cây gỗ", bà An nêu ý kiến.
Đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ, bà Bùi Thị An đánh giá, công tác quản lý, tham mưu của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quản lý lĩnh vực này trong thời gian qua khá tốt. Một số chính sách liên quan đến tài khóa, tiền tệ có những đột phá, đặc biệt là việc làm minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn trước đây có phần hơi "mập mờ".
Tuy nhiên, bà An kiến nghị, liên quan đến tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động nghèo, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp để mọi người dân dễ dàng tiếp cận được vốn của nhà nước, vay vốn lãi suất thấp để mua nhà ở… góp phần hạn chế tình trạng nạn tín dụng đen nở rộ, người dân ồ ạt rút BHXH như hiện nay.
Lấy ví dụ về việc giá sách giáo khoa, bà An cho rằng, Bộ Tài chính cần chủ động vào cuộc cùng các Bộ GD&ĐT, nếu thấy có bất cập ở đâu thì tham mưu Chính phủ, thậm chí đề nghị Quốc hội sửa luật.
"Đó là thế chủ động của người đứng đầu bộ ngành. Cử tri hoan nghênh việc các trưởng ngành tuân thủ pháp luật, làm đúng luật, nhưng mong rằng các tư lệnh chủ động hơn nữa, cần phải đưa ra những dự báo, phát hiện vấn đề bất cập, chưa hợp lý để kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội", bà An bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Gạo, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận 18, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đánh giá các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV với 4 nhóm nội dung được đưa ra rất đúng, trúng và có trách nhiệm. Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi đi sâu vào vấn đề mà các cử tri đang băn khoăn, mong muốn lãnh đạo ngành giải thích rõ, cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Gạo cho rằng, nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phần lớn đáp ứng được sự quan tâm của cử tri. Các vấn đề nóng thuộc nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản đều được đưa ra bàn luận. Tuy nhiên, tôi mong rằng Bộ trưởng phải thực hiện ngay các giải pháp mình đưa ra.
Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Gạo đánh giá những nội dung các đại biểu chất vấn là những vấn đề "nóng" đang diễn ra hiện nay, được rất nhiều cử tri quan tâm và cần có sự giải quyết kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Bộ trưởng nắm vấn đề khá sát và trả lời thẳng vào vấn đề.
"Ý kiến hỏi thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, có những vấn đề cụ thể. Phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính cũng cởi mở, trong đó có đưa đề xuất, trao đổi về những phương hướng sắp tới", ông Nguyễn Văn Gạo nhấn mạnh.
Về vấn đề giá xăng dầu hiện tăng quá cao, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Nếu không điều chỉnh giá xăng kịp thời sẽ dẫn đến lạm phát và chính quyền cũng rất khó để kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Gạo đề nghị, Chính phủ cần có chính sách kịp thời để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá xăng dầu, xử lý về đầu cơ các mặt hàng…
"Cử tri luôn mong muốn và kỳ vọng các các đại biểu Quốc hội cũng như các Bộ trưởng tiếp tục phát huy tinh thần trao đổi thẳng thắn cởi mở để cùng tìm ra những giải pháp cho các vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm", ông Nguyễn Văn Gạo bày tỏ.
Theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhà báo Nguyễn Thắng, Thông tấn xã Việt Nam nêu ý kiến, các câu hỏi và trả lời tại phiên chất vấn rất sát với những vấn đề cử tri cả nước quan tâm trong tình hình hiện nay, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chính sách xúc tiến thương mại hay phát triển thị trường nông sản…
Nhìn chung các câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong phiên chất vấn là những vấn đề quan trọng của ngành NN&PTNT thời gian qua, như xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, giá nguyên liệu đầu vào hay tránh tình trạng "được mùa mất giá" trong sản xuất…
Với tư cách là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã xác định rõ trách nhiệm, nêu giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc của ngành NN&PTNT, nhất là trong quá trình điều hành hoạt động của ngành. Tiêu biểu như để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp nguồn lực nhà nướcvới nguồn lực xã hội để cùng phát triển.
Hoặc với "điệp khúc được mùa mất giá" thì trong bối cảnh điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới, tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên do đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng. Bên cạnh công tác quản lý của Bộ thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã cho thấy tư duy phát triển nông nghiệp tới đây có nhiều chuyển biến. Những quan điểm về thích ứng thị trường, "3 biến" bắt buộc toàn ngành nông nghiệp phải thích ứng, những yêu cầu rất rõ nét trong phạm vi của các địa phương cần chủ động phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương mình...
Nhà báo Nguyễn Thắng kỳ vọng, tới đây với tư duy phát triển ngành rất mới và nhân văn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn và biến ngành nông nghiệp thực sự là một mũi nhọn về kinh tế chứ không chỉ là trụ đỡ của kinh tế trong những biến động thị trường, xã hội như thời gian qua.
Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Hồ Đức Phớc đã thể hiện việc nắm bắt vấn đề khá toàn diện, vấn đề "nóng" của ngành, tiêu biểu như Bộ trưởng đã thông tin rõ ràng các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững; siết chặt quản lý ngăn chặn tình trạng bong bóng, thao túng, làm giá chứng khoán. Hoặc vấn đề được dư luận quan tâm là quản lý xe biếu tặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong quá trình chỉ đạo các Cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan địa phương kiểm tra rà soát, định giá lại trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính không phát hiện ra vấn đề thất thu thuế, các loại thuế đều đã được thu đầy đủ.
Việc nắm bắt vấn đề, lĩnh vực quản lý khá toàn diện, sâu sắc của các Bộ trưởng tại phiên chất vấn giúp các cơ quan báo chí cung cấp thông tin đầy đủ đến nhân dân về công tác quản lý của mỗi ngành, giải đáp được các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
Chia sẻ ý kiến về phần chất vấn của các thành viên Chính phủ, TS. Trần Bách Hiếu, Phó Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển, Trường ĐH KHXH&NV cho biết, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho thấy rõ, Bộ đã có sự cầu thị rất nghiêm túc đối với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận. Đặc biệt là vấn đề làm thế nào để sách giáo khoa trở về thực sự đúng với ý nghĩa của nó, đó chính là đến với từng nhà, từng người một cách công bằng nhất, phù hợp nhất đối với kinh tế đất nước ta nói chung và với mỗi gia đình nói riêng. Đồng thời làm thế nào để bảo đảm đầy đủ sách cho con em đi học nhưng phải với giá cả rất phải chăng, hợp lý với điều kiện thực tế. Đó mới chính là cách nhìn và cách làm đúng đắn trong bối cảnh xã hội hiện nay đang quan tâm.
Bên cạnh đó, TS. Trần Bách Hiếu bày tỏ đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là cần có sự hợp lực giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính trong việc góp phần làm bình ổn giá sách giáo khoa. Qua việc trả lời chất vấn cho thấy vấn đề được đưa ra rất công khai, minh bạch, tất cả mọi vấn đề liên quan đến sách giáo khoa từ giá cả, lựa chọn đầu sách… đều theo cách tốt nhất cho phụ huynh, học sinh trong bối cảnh hiện nay.
Nhóm PV