In bài viết

"Chất xúc tác" cho thương mại Việt - Nga

(Chinhphu.vn) - Với dân số trên 143 triệu người, cùng với những ưu đãi thuế quan khi Nga gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), Nga hiện đang là thị trường truyền thống của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

04/09/2018 18:19
Dệt may Việt Nam đang tich cực thâm nhập thị trường trị giá 10 tỷ USD của Nga. Ảnh minh hoạ

Thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2017. Hiệp định này là cơ hội để tạo bước đột phá, tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Liên bang Nga lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, năm 2016, kim ngạch thương mại Việt Nam và Liên bang Nga đã đạt 2,7 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2015; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12%, nhập khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 51%. Năm 2017, kim ngạch thương mại Việt – Nga đạt 3,56 tỷ USD, tăng 29% so năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 2,17 tỷ USD, tăng 34%, nhập khẩu đạt 1,39 tỷ USD, tăng 23%.

Về phía Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn và tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua gồm: điện thoại di động, dệt may, máy vi tính và linh kiện, máy móc và thiết bị, hạt điều…Về phía Nga, các mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng mạnh gồm: phân bón, lúa mỳ, máy móc, thiết bị và phụ tùng, thủy sản, các kim loại khác không phải là sắt thép, sản phẩm khác từ dầu mỏ.

Riêng trong 7 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai  nước đạt 2,66 tỷ USD, tăng 34,07% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 1,46 tỷ USD, tăng 20,8%; nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 54,8%.

Thị trường Nga có nhiều tiềm năng, nhưng theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại.

Cụ thể, hiện nay, vận tải của hai bên chủ yếu vẫn sử dụng đường hàng hải, thời gian vận tải thường chiếm vào khoảng từ 25 - 50 ngày. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga, do phải vận chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Liên bang Nga. Hoặc, tới cảng Vladivostock rồi đi theo tuyến đường xuyên Nga từ Đông sang Tây nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ....

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường này. Trong khi đó, việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga còn vướng một số vấn đề về thủ tục pháp lý phức tạp.

Các rào cản phi thuế như: quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng... mà Nga đang áp dụng đối với hàng nông thủy sản của Việt Nam như gạo, rau, quả, thủy sản... tương đối chặt chẽ, thậm chí, chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Việc này dẫn đến việc hàng hóa khó thâm nhập vào thị trường này.

Ngoài ra, phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện (T/T) hoặc giao tiền thì giao chứng từ (D/P), trả chậm từ 6 tháng đến 1 năm cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt. Cùng đó, hai bên chưa thực hiện được việc thanh toán bằng đồng nội tệ do cơ chế thanh toán ngân hàng giữa hai nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định VN-EAEU FTA là chất xúc tác mạnh cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Về tổng thể, hiện Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Hiện Liên bang Nga, cũng như EAEU đang tích cực mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với Cộng đồng ASEAN trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực phát triển các chuỗi cung ứng hàng hoá sản xuất và tiêu dùng trong khu vực này. Vì vậy, việc tăng cường các hoạt động kinh tế, thương mại với Việt Nam theo chiều sâu sẽ cho phép các nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm của Nga và các nước EAEU có cơ hội tham gia vào các dây chuyền cung ứng sản phẩm tại châu Á-Thái Bình Dương đã được hình thành.

Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm hàng năm để giới thiệu sản phẩm của mình với đối tác Nga. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt vào Nga và thị trường Bắc Âu cần đảm bảo, duy trì chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã và nên xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở thị trường này. Hiện nay, thu nhập cũng như đời sống của người Nga đã được cải thiện rõ rệt so với trước kia. Loại hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt thường được ưa chuộng và tiêu thụ nhanh hơn. Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở Nga hoạt động khá chặt chẽ. Quan niệm đưa hàng giá rẻ, chất lượng thường vào Nga đã không hợp thời nữa.

(theo TTXVN)