![]() |
Đoàn Việt Nam tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La 2012. Ảnh: congan.com.vn |
Hàng loạt vấn đề “nóng” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như sự can dự của các cường quốc, an ninh biển... đã được nêu ra.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam dự đối thoại lần này.
Trong các cuộc tiếp xúc, bên cạnh việc bàn thảo các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng, Đoàn Việt Nam và các nước cũng trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, nhất trí cần giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định “quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý phải được tôn trọng triệt để” và cho rằng “không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực là điều tiên quyết song các nước cũng không được sử dụng, đe dọa sử dụng sức mạnh “mềm” như cô lập kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã nhấn mạnh “tranh chấp chủ quyền trên biển cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan và công khai minh bạch trong môi trường quốc tế”.
Trong bài phát biểu có tựa đề “Sự tái cân bằng của Mỹ hướng tới châu Á – Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ủng hộ mạnh mẽ quyết định tăng tần suất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ); ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ngoài ra, để tái cân bằng cán cân quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan. Trong đó, liên minh Mỹ - Nhật là cốt lõi của cả hệ thống an ninh trong khu vực của Mỹ.
Cũng trong tuần qua, ngày 7/6, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã cam kết việc tăng cường hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực của các thành viên.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên SCO, gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyrstan, Tadjikistan và Uzbekistan đã thông qua 10 thỏa thuận trong đó có Tuyên bố về xây dựng một khu vực thịnh vượng chung và hòa bình lâu dài, kế hoạch chiến lược cho phát triển SCO trong trung hạn.
Nhân dịp đến Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh SCO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tiến hành chuyến thăm chính thức Trung Quốc, loạt hoạt động đối ngoại đầu tiên của ông Putin trên cương vị Tổng thống Nga. Trong chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo 2 nước đều cho rằng quan hệ Trung Quốc và Nga có ảnh hướng hết sức quan trọng với hòa bình thế giới.
Tuần qua, tình hình tại Syria tiếp tục được thế giới quan tâm do những bất ổn ngày càng trầm trọng nhất là sau vụ thảm sát mới xảy ra ở tỉnh Hama khiến hang chục người thiệt mạng.
Trong khi nhiều nước phương Tây (như Mỹ, Anh) muốn có các hành động trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, thì Nga và Trung Quốc vẫn phản đối bên ngoài can thiệp, nhất là sử dụng vũ lực, vào công việc nội bộ của Syria.
Ở lĩnh vực kinh tế, trong khi nhiều thể chế kinh tế quốc tế cảnh báo rằng kinh tế thế giới đang có nhiều nguy cơ và rủi ro xuất phát từ cuộc khủng hoảng tại châu Âu, thì Cơ quan xếp hạng tín nhiệm danh tiếng Standard & Poor’s vừa nâng điểm triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”, do cơ quan này nhận định: “Việt Nam đã thành công trong việc hạ thấp tỷ lệ lạm phát”, với mức lạm phát chỉ còn 8,34% trong tháng 5/2012.
Standard & Poor’s cho rằng, những nguy cơ về ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính ở Việt Nam đã giảm bớt. Chính phủ Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát và Standard and Poor's dự báo những cải thiện trên sẽ được duy trì.
Với việc nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo chiều hướng tích cực ngày càng rõ nét trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu thì đánh giá của cơ quan xếp giá tín nhiệm hàng đầu thế giới này chính là sự khẳng định tiềm năng của Việt Nam với các nhà đầu tư trên thế giới.
Nguyễn Chiến