In bài viết

Chế độ chi tiếp khách trong nước được quy định thế nào?

(Chinhphu.vn) – Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng được mời cơm, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư 71/2018/TT-BTC quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp với chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của từng loại hình đơn vị.

27/02/2019 11:02

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Nam (Vĩnh Phúc), đơn vị ông đề nghị Kho bạc huyện cho thanh toán khoản tiền chi làm việc với một cơ quan A về vấn đề công tác an ninh quốc phòng trên địa bàn hoặc các khoản chi làm việc khác, thì Kho bạc trả lời không có chế độ chi làm việc, mà hướng dẫn cơ quan ông ghi là “chi tiếp khách đoàn nào đó…”.

Tuy nhiên, hiện nay theo Thông tư số 71/2018/TT-BTC quy định chi tiếp khách phải từ nguồn kinh phí tự chủ và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Ông Nam hỏi, Kho bạc trả lời và hướng dẫn như trên đúng hay sai?

Hiện tỉnh ông chưa có quy định về chi tiếp khách, do đó vẫn áp dụng theo Thông tư của Bộ Tài chính, nhưng UBND xã là một cấp ngân sách, chỉ giao dự toán chi thường xuyên vào nguồn kinh phí không tự chủ (nguồn 12).

Ông Nam hỏi, nếu thực hiện chi tiếp khách thì không đúng với Thông tư số 71/2018/TT-BTC vì theo Thông tư, quy định chi tiếp khách phải từ nguồn kinh phí tự chủ và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, cơ quan ông làm thế nào cho đúng chế độ khi các khoản chi đó phát sinh?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 31 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính quy định về chi tiếp khách trong nước như sau:

“Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng được mời cơm, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp với chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của từng loại hình đơn vị. Các cơ quan, đơn vị chỉ được sử dụng từ nguồn kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để chi mời cơm khách và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ quan, đơn vị”.

Về đối tượng thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ thì đối tượng thực hiện bao gồm “Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn”.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ thì: “Việc thực hiện chế độ tự chủ đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào các quy định tại Nghị định này, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và điều kiện thực tế tại địa phương để quyết định”.

Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, trong đó:

- Điểm g, Khoản 1, Điều 1 quy định đối tượng và phạm vi điều chỉnh bao gồm: “Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn”.

- Khoản 3, Điều 3 quy định: Đối với cấp xã, phường, thị trấn:

“Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ cách thức xác định kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể về phương thức xác định kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ; tổng mức khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.

- Theo quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 2, Điều 6 thì trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

“b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trực thuộc tổ chức thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính theo quy định của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính của các cơ quan trực thuộc. Có biện pháp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoặc xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Do vậy, đề nghị ông Nam gửi văn bản đến Sở Tài chính địa phương để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.

Chinhphu.vn