Thời gian nghỉ thai sản sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động sẽ không được tính là thời gian tham gia BHXH |
Công ty của bà Lê Thị Lan (Đà Nẵng) hiện có nhiều nhân viên đang nghỉ thai sản và đang điều chỉnh nghỉ thai sản ở cơ quan BHXH. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ, công ty dự kiến giải thể vào tháng 10/2019.
Bà Lan hỏi, những nhân viên đến tháng 11, 12/2019 mới hết thời gian nghỉ chế độ thai sản thì công ty có được điều chỉnh giảm nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Về vấn đề này, BHXH TP. Đà Nẵng trả lời như sau:
Theo Khoản 2, Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, "2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH quy định tại Khoản 2, Điều 39 của Luật BHXH được hướng dẫn như sau:
a) Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng BHXH.
b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi quy định tại Khoản 4, Điều 31 của Luật BHXH không được tính là thời gian đã đóng BHXH”.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp trong thời gian người lao động hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nếu đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (công ty giải thể) thì sẽ làm hồ sơ báo giảm trên phần mềm điện tử và chốt sổ BHXH cho người lao động đến thời điểm đơn vị không nợ.
Thời gian nghỉ thai sản sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động sẽ không được tính là thời gian tham gia BHXH. Bà Lan cũng cần lưu ý về điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản.