Theo phản ánh của ông Nguyễn Tiến Kiệt (Bình Dương), người lao động đã có thời gian thực hiện "3 tại chỗ", nhưng sau đó không tiếp tục thực hiện do đau ốm không được chữa trị kịp thời, còn doanh nghiệp vẫn tiếp tục mô hình này. Đối với nhóm người lao động này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương không xét vào bất kỳ nhóm đối tượng nào được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa xem nhóm người lao động này thuộc đối tượng hỗ trợ theo chương IV hoặc V (tùy từng trường hợp).
Ông Kiệt đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản chỉ đạo rõ ràng hơn để địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất chung trên phạm vi cả nước, tránh việc có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các địa phương, giữa các cấp chính quyền.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Ngày 25/8/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công văn 2844/LĐTBXH-PC hướng dẫn một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách lao động.
Theo đó, đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ" nhưng có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu "3 tại chỗ" của doanh nghiệp thì người lao động và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách:
- Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg .
- Thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động như: Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo Điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động.
Chinhphu.vn