In bài viết

Chế độ đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc

(Chinhphu.vn) - Ông Phạm Thanh Thọ (phamthanhtho@...) công tác tại Công an Biên phòng đóng trên địa bàn Đồn Cửa khẩu 19 từ năm 1979-1987. Trong những năm đó ông Thọ thường xuyên bị bệnh sốt rét và bệnh ngoài da. Năm 2010, ông bị bệnh tiểu đường tuýp II. Vậy, ông Thọ có được hưởng chế độ gì không, nếu được thì thủ tục như thế nào?

01/06/2012 15:23

Vấn đề ông Thọ hỏi, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Ngày 9/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Các đối tượng áp dụng chế độ tại Quyết định 62/2011/QĐ-TTg được hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 5/1/2012 của Liên Bộ Quốc phòng – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính, trong đó có đối tượng quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư này là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, bao gồm cả lực lượng công an nhân dân vũ trang, bộ đội Biên phòng qua các thời kỳ, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30/4/1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội, cơ yếu, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000;

- Thương binh đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 1/4/2000; thương binh nặng đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hoặc đã về gia đình;

- Chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc trước ngày 1/1/1995; đã có quyết định chuyển ngành trước ngày 1/4/2000 nhưng không thực hiện được hoặc đã về địa phương mà chưa giải quyết chế độ;

- Phục viên, xuất ngũ đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 1/4/2000.

Trường hợp được hưởng trợ cấp một lần

Điểm a, Khoản 2 Điều 3 Thông tư Liên tịch 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC quy định, đối tượng hướng dẫn tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Thông tư này, có dưới 15 năm công tác (bao gồm cả đối tượng đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc hiện đang công tác ở xã có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hoặc đối tượng có dưới 20 năm công tác trong quân đội, cơ yếu sau đó tham gia công tác ở xã đã nghỉ việc hiện đang hưởng chế độ hưu trí, nhưng khi thôi công tác ở xã, thời gian phục vụ trong quân đội, cơ yếu không được cộng nối với thời gian công tác ở xã để tính hưởng chế độ BHXH) được hưởng chế độ trợ cấp một lần tính theo số năm công tác; mức hưởng cụ thể như sau: Từ đủ 2 năm trở xuống mức trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng; Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Mức trợ cấp một lần = 2.500.000 đồng [(số năm được tính hưởng - 2 năm) x 800.000 đồng].

Theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư này thì thời gian hưởng chế độ trợ cấp một lần nếu có tháng lẻ thì từ đủ 6 tháng đến 12 tháng được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính bằng nửa (1/2) năm.

Các chế độ khác

Tại Điều 4 Thông tư này quy định: Đối tượng nêu trên nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi từ trần người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành.

Trường hợp ông Phạm Thanh Thọ phản ánh từ năm 1979 - 1987 ông công tác trong lực lượng công an nhân dân vũ trang tại Đồn biên phòng số 19. Đồn biên phòng này ở biên giới phía Bắc, khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, thuộc địa bàn bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh; là vùng có xảy ra chiến tranh biên giới trong thời gian ông Thọ phục vụ tại ngũ.

Do thông tin ông Thọ cung cấp còn chưa đầy đủ, vì vậy đề nghị ông Thọ đối chiếu thực tế quá trình công tác với các quy định nêu trên để biết quyền lợi được hưởng theo chính sách.

Nếu ông Thọ nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang sau ngày 30/4/1975; khoảng thời gian 8 năm từ năm 1979 đến năm 1987 ông Thọ trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; hiện tại không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng thì ông Thọ thuộc đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp một lần và nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, khi từ trần người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng.

Về thủ tục, hiện nay tại các địa phương trên cả nước đang triển khai thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, ông Thọ cần liên hệ với UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để được hướng dẫn, nhận tờ khai, nộp hồ sơ yêu cầu hưởng chế độ và nhận thông báo kết quả giải quyết theo quy định.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

>> 5 nhóm đối tượng phục viên, xuất ngũ được hưởng chế độ

>> Thời gian tính hưởng chế độ khi phục viên, xuất ngũ

>> Chế độ trợ cấp với quân nhân phục viên, xuất ngũ

>> Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp một lần và hàng tháng

>> Chế độ trợ cấp một lần với quân nhân phục viên, xuất ngũ