Ông Lương muốn biết, Công ty có phải chi trả trợ cấp thôi việc cho ông không? Nếu phải chi trả thì tính đến thời điểm ngày 1/1/2009 (là ngày bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực) hay chi trả đến thời điểm năm 2012, do ông không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Lương như sau:
Theo khoản 3, Điều 4 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động (BLLĐ) về HĐLĐ, thì đối với trường hợp người lao động (NLĐ) đã nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, nay tiếp tục ký HĐLĐ thì được giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn dưới 12 tháng. Khi hợp đồng này hết hạn, nếu người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu vẫn có thể tiếp tục ký HĐLĐ có thời hạn mới mà không phải chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định tại khoản 2, Điều 27 BLLĐ.
Tại khoản 2, Điều 5 Nghị định nêu trên quy định đối với HĐLĐ ký với người đã nghỉ hưu, thì khoản BHXH, bảo hiểm y tế, tiền tàu xe, nghỉ hàng năm được tính gộp vào tiền lương hoặc tiền công của NLĐ.
Theo đó, người đã nghỉ hưu và đang hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, tiếp tục ký HĐLĐ, thì ở giai đoạn này, NLĐ và NSDLĐ không phải đóng BHXH vào quỹ BHXH bắt buộc, bao gồm BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Về chế độ trợ cấp thôi việc
Căn cứ khoản 1, Điều14 Nghị định này thì NSDLĐ có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc đối với NLĐ đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên quy định tại khoản 1, Điều 42 BLLĐ trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 36 BLLĐ; Điều 37; các điểm a, c, d và điểm đ, khoản 1, Điều 38; khoản 1 Điều 41; điểm c khoản 1 Điều 85 BLLĐ (đã sửa đổi, bổ sung).
Trường hợp chấm dứt HĐLĐ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, Điều 85 và nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại Điều 145 BLLĐ (đã sửa đổi, bổ sung) NLĐ không được trợ cấp thôi việc.
Vấn đề ông Lương hỏi, ông đã nghỉ hưu từ năm 2004, đã và đang hưởng chế độ hưu trí hằng tháng. Đến năm 2005, khi đang hưởng lương hưu, ông A ký HĐLĐ để tham gia một quan hệ lao động mới. Theo luật sư, thời điểm ông Lương chấm dứt HĐLĐ đã ký sau khi nghỉ hưu, không phải là trường hợp chấm dứt HĐLĐ để nhận chế độ hưu trí theo Điều 145 BLLĐ, vì ông đã và đang hưởng chế độ hưu trí từ trước khi ký hợp đồng này. Do đó, ông Lương không thuộc trường hợp không được trợ cấp thôi việc quy định ở đoạn 2, khoản 1, Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ-CP.
Khi nghỉ việc ông Lương đã báo trước, được công ty đồng ý, đây là trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ quy định tại khoản 3, Điều 36 BLLĐ. Vì vậy, ông Lương thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định ở đoạn 1, khoản 1, Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ-CP.
Cách tính và chi trả trợ cấp thôi việc áp dụng Điều 2 Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 sửa đổi khoản 3, mục III, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH như sau: Tổng thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc tính theo năm. Nếu có tháng lẻ, thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng làm tròn thành 1/2 năm; từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng làm tròn thành 1 năm. Cứ mỗi năm làm việc được hưởng 1/2 tháng lương. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ.
Theo quy định về HĐLĐ ký với người đã nghỉ hưu, thì ông Lương và công ty không phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Do vậy, khi tính trả trợ cấp thôi việc đối với HĐLĐ này không trừ khoảng thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc từ ngày 1/1/2009 đến khi chấm dứt HĐLĐ. Thời gian tính trả trợ cấp thôi việc cho ông Lương là tổng thời gian ông làm việc tại công ty theo các HĐLĐ ký từ năm 2005 đến thời điểm chấm dứt HĐLĐ đó.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.