In bài viết

Chế độ khi nghỉ việc do mắc bệnh hiểm nghèo

(Chinhphu.vn) - Bà Lê Thị Gái (gailekhth@...) năm nay 50 tuổi, có 29 năm công tác. Hiện bà bị ung thư giai đoạn 3. Bà Gái muốn nghỉ việc nhưng không muốn hưởng lương hưu theo chế độ suy giảm khả năng lao động, mà muốn được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Bà Gái muốn biết, bà cần làm thủ tục như thế nào?

30/07/2012 14:43

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Gái hỏi như sau:

Trường hợp không giải quyết trợ cấp BHXH một lần

Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật BHXH, người lao động được hưởng BHXH một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau :

- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;

- Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;

- Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;

- Ra nước ngoài để định cư.

Tại Công văn số 854/TTg-KSTT ngày 31/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (tại Phụ lục 2 đính kèm) theo đề nghị của các bộ, ngành, trong đó có đề nghị sửa đổi Luật BHXH, bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp BHXH một lần tại khoản 1 Điều 55 Luật BHXH đối với người có từ 20 năm đóng BHXH trở lên mắc bệnh hiểm nghèo và có nhu cầu thì được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp BHXH một lần.

Nhưng cho đến thời điểm này, theo quy định của Luật BHXH hiện hành, đối với người có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên không được giải quyết trợ cấp BHXH một lần, trừ trường hợp ra nước ngoài định cư.

Thôi việc và trợ cấp thôi việc

Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động (BLDĐ) quy định: Người lao động làm theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 6 tháng liền thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.

Theo khoản 1 Điều 42 BLLĐ thì khi chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương nếu có.

Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều 139 Luật BHXH quy định: Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật BHXH không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.

Theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 sửa đổi khoản 3, mục III Thông tư 21/2003/TT- BLĐTBXH ngày 22/9/2003 thì tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc tính theo năm, sau khi trừ đi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp, tổng thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc có tháng lẻ thì được làm tròn: Từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng làm tròn thành ½ năm; từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng làm tròn thành 1 năm.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Trường hợp của bà Lê Thị Gái đã có 29 năm đóng BHXH và tuổi đời là 50 tuổi, theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật BHXH hiện hành, bà không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Do bà mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư giai đoạn 3, sức khỏe yếu không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ, bà Gái có quyền lựa chọn một trong hai hình thức nghỉ việc sau:

- Làm đơn báo trước ít nhất 3 ngày về việc đơn phương chấm dút HĐLĐ, đề nghị người sử dụng lao động giải quyết trợ cấp thôi việc và làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ tử tuất khi qua đời, hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi đủ tuổi 55;

- Hoặc là, đề nghị được giám định suy giảm khả năng lao động, nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên bà sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế và chế độ tử tuất.

Bà Gái cần căn cứ vào tình hình thực tế bệnh tật của mình, tiên lượng thời gian sống còn lại, để lựa chọn hình thức nghỉ việc phù hợp, tương ứng với quyền lợi được hưởng tốt nhất.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.