In bài viết

Chế độ lao động, quyền lợi của phạm nhân từ kết quả lao động

(Chinhphu.vn) - Ông Phạm Quốc Việt (Hà Nội) muốn biết quy định của pháp luật về chế độ lao động của phạm nhân bị phạt tù tại trại giam, nếu lao động tốt, phạm nhân có được hưởng quyền lợi gì không?

30/11/2011 11:26

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Việt như sau:

Chế độ lao động, quyền lợi của phạm nhân từ kết quả lao động trong thời gian chấp hành hình phạt tù ở trại giam được quy định tại Thông tư liên tịch số 4/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP ngày 12/1/2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng như sau:

Chế độ lao động của phạm nhân

Tại Điều 1, Thông tư này quy định trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, phạm nhân phải lao động và học tập theo quy định của pháp luật để cải tạo. Căn cứ vào sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án, tính chất tội phạm của phạm nhân, giám thị trại giam bố trí công việc cho từng phạm nhân một cách thích hợp.

Phạm nhân lao động 8 giờ trong 1 ngày, được nghỉ các ngày lễ, tết, chủ nhật và tổ chức học tập vào ngày thứ bảy. Thời gian phạm nhân học văn hóa, học nghề, nghe phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật, học chương trình giáo dục công dân, được trừ vào thời gian lao động. Khi thời vụ hoặc trong trường hợp đột xuất khác, giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 2 giờ trong một ngày, nếu lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật, thời gian lao động không vượt quá 8 giờ trong 1 ngày. Thời gian phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong các ngày thứ bảy, chủ nhật sẽ được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền hoặc hiện vật.

Những phạm nhân được miễn lao động nặng nhọc, độc hại theo danh mục quy định của pháp luật là:

- Phạm nhân là nam từ 55 tuổi trở lên; 

- Phạm nhân là người chưa thành niên;

- Phạm nhân là nữ;

- Phạm nhân được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe để lao động nặng nhọc, độc hại.

Những phạm nhân thuộc các trường hợp sau đây được nghỉ lao động:

- Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi đẻ theo quy định chung của Nhà nước;

- Phạm nhân đang nằm điều trị tại trạm xá, bệnh xá hoặc bệnh viện;

- Phạm nhân có con nhỏ dưới 2 tuổi đang ở cùng trong trại giam bị ốm đau được y tế của trại giam xác định;

- Phạm nhân ốm đau được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe để lao động.

Quyền lợi của phạm nhân từ kết quả lao động

Theo Điều 5, Thông tư nêu trên quy định việc sử dụng kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân là phần chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động lao động, dạy nghề sau khi trừ các chi phí hợp lý được phân phối, sử dụng trích quỹ như sau:

Trích 26% để bổ sung mức ăn cho phạm nhân; thưởng cho phạm nhân có kết quả lao động vượt chỉ tiêu kế hoạch, tăng năng suất lao động, làm thêm giờ, lao động ngày thứ bảy, chủ nhật. Cụ thể: 

- Căn cứ vào mức kinh phí được trích (từ nguồn 26% nói trên), Giám thị trại giam quyết định bổ sung mức ăn hàng ngày cho phạm nhân, nhưng không được tăng thêm quá 1/6 lần tiêu chuẩn ăn hàng tháng mà Nhà nước quy định cho mỗi phạm nhân.

- Đối với phạm nhân lao động làm thêm giờ, lao động ngày thứ bảy, chủ nhật được hưởng tiêu chuẩn ăn bằng 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường (trong đó có 01 tiêu chuẩn ăn ngày thường do ngân sách nhà nước đảm bảo) mà Nhà nước quy định cho mỗi phạm nhân. Tiêu chuẩn ăn thêm này, phạm nhân được sử dụng để ăn thêm, gửi lưu ký để sử dụng tại trại giam hoặc nhận lại khi ra trại.

Thưởng cho phạm nhân có kết quả lao động vượt chỉ tiêu định mức lao động hoặc tăng năng suất lao động. Mức thưởng bằng 1/2 giá trị chênh lệch thu lớn hơn chi của sản phẩm do lao động vượt chỉ tiêu, định mức lao động hoặc tăng năng suất lao động. Phạm nhân được sử dụng số tiền thưởng này để ăn thêm, gửi lưu ký để sử dụng tại trại giam hoặc nhận lại khi ra trại.

Trường hợp đã trích đủ mức ăn bổ sung (nêu trên) mà còn dư kinh phí thì Giám thị trại giam chịu trách nhiệm xem xét, quyết định mua các vật dụng sinh hoạt cho phạm nhân và phải phổ biến cho tập thể phạm nhân biết thông qua Hội đồng tự quản của phạm nhân để bảo đảm công khai, dân chủ và đúng đối tượng được hưởng.

Bên cạnh đó, từ việc trích 15% lập Quỹ phúc lợi chung của trại giam thì phạm nhân còn được hỗ trợ khi ốm đau, hỗ trợ khi gặp rủi ro, tai nạn lao động, hỗ trợ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Những phạm nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình chấp hành án được khen thưởng từ Quỹ khen thưởng chung cho cán bộ, chiến sỹ và phạm nhân. Mức thưởng đối với một phạm nhân không vượt quá 2.000.000 đồng/lần/phạm nhân. Phạm nhân được sử dụng số tiền thưởng này để ăn thêm, gửi lưu ký để sử dụng tại trại giam hoặc nhận lại khi ra trại.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.