In bài viết

Chế độ lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động

(Chinhphu.vn) - Ông Hoàng Văn Thành làm việc tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy từ tháng 2/2002. Tháng 9/2003, ông được đóng BHXH theo hệ số lương 1,85. Năm 2012, hệ số lương của ông là 2,96.

16/06/2021 08:02

Từ khi Công ty xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP và Thông tư số 17/2015 TT-BLĐTBXH cho đến nay, người lao động không được tăng lương theo hệ số, cũng không được xét nâng bậc, nâng lương.

Ông Thành hỏi, từ năm 2015 đến nay Công ty không tổ chức thi nâng bậc, nâng lương cho người lao động có đúng không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Thực hiện quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2012 (hết hiệu lực ngày 1/1/2021), Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương (hết hiệu lực ngày 1/2/2021) và Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu (hết hiệu lực ngày 1/2/2021); đến nay các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu đã hoàn thành việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Căn cứ chức danh, công việc người lao động đảm nhận, các công ty đã hoàn thành việc chuyển xếp lương từ thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước do Nhà nước quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ sang thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty xây dựng.

Thời điểm trước khi chuyển xếp lương từ thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định sang thang lương, bảng lương do công ty xây dựng, chế độ nâng bậc lương trong các công ty Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Mục VI Thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003, sửa đổi bởi Mục 4 Thông tư số 18/2008/TT-BLĐTBXH ngày 16/9/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nhưng quy định này đã hết hiệu lực kể từ ngày 10/6/2015 theo Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH.

Trường hợp ông Hoàng Văn Thành phản ánh, nhận thấy sau thời điểm chuyển xếp lương từ thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định sang thang lương, bảng lương do công ty xây dựng, mặc dù chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể thay thế chế độ nâng bậc lương tại Mục 4 Thông tư số 18/2008/TT-BLĐTBXH đã hết hiệu lực, nhưng từ năm 2015 đến nay công ty không chủ động xây dựng, ban hành quy chế nâng bậc, nâng lương; không tổ chức thi nâng bậc, xét nâng lương đối với người lao động là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 102 Bộ luật Lao động 2012 về chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019, chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Theo Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, 1 trong 10 nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động là chế độ nâng bậc, nâng lương. Trường hợp trong hợp đồng lao động đã ký kết không có thỏa thuận về chế độ nâng bậc, nâng lương; hoặc thỏa thuận này không rõ, không đầy đủ, không còn phù hợp, để bảo đảm quyền lợi, người lao động cần đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc, nâng lương bằng phụ lục hợp đồng lao động theo Khoản 1 Điều 22 Bộ luật này.

Theo Khoản 1 Điều 67 Bộ luật Lao động 2019, một trong các nội dung thương lượng tập thể là tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng… Trường hợp thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết không có thỏa thuận về chế độ nâng bậc, nâng lương cho người lao động; hoặc thỏa thuận này không rõ, không đầy đủ, không còn phù hợp, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đại diện hợp pháp của tập thể lao động và đại diện hợp pháp của công ty cần thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể theo quy định tại Điều 82 Bộ luật này.

Căn cứ chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của công ty; hàng năm công ty có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề; tổ chức thi nâng bậc, nâng lương thường xuyên cho người lao động đủ điều kiện về thời gian giữ bậc, đủ điều kiện về trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề; xét nâng bậc, nâng lương trước thời hạn đối với người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật công nghệ, tăng năng suất lao động.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.